Có một Việt Nam thu nhỏ ở Pháp

Gần 10 năm đi học, đi làm ở Paris, tôi có may mắn sống giữa một cộng đồng người Việt hiền hòa và giàu bản sắc nên chưa bao giờ phải chịu nỗi buồn tủi vì xa quê hương. Giáo sư hướng dẫn tôi là người Việt, ra phố gặp người Việt và qua các hội đoàn du học sinh, tôi như được hòa vào một nước Việt Nam thu nhỏ.

Gần 10 năm đi học, đi làm ở Paris, tôi có may mắn sống giữa một cộng đồng người Việt hiền hòa và giàu bản sắc nên chưa bao giờ phải chịu nỗi buồn tủi vì xa quê hương. Giáo sư hướng dẫn tôi là người Việt, ra phố gặp người Việt và qua các hội đoàn du học sinh, tôi như được hòa vào một nước Việt Nam thu nhỏ.

Cộng đồng người Việt ở Pháp được hình thành từ 4 nguồn gốc chính: Xa xưa nhất là những người nhập Pháp tịch dưới chế độ thuộc địa (từ hoàng tộc nhà Nguyễn cho tới lính lê dương, phu đồn điền…), thế hệ thứ hai là những sinh viên du học vào thập niên 50-70, thứ ba là những người di tản theo quy chế tị nạn hay đoàn tụ gia đình sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, thế hệ thứ tư là những người vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam nhưng tạm trú dài hạn ở Pháp để học tập, làm việc. Đó là chưa kể các thế hệ con, cháu của những người này sinh ra và lớn lên ở Pháp.

Việt kiều tại Paris có đời sống thâm trầm, không náo nhiệt, không phô trương. Họ tổ chức Tết Trung thu và Tết Nguyên đán muộn hơn và khép kín hơn người Hoa kiều. Đa số người Việt chọn đi làm công chức chứ không trọng nghề doanh thương, không tham gia chính giới. Chỉ có 1/10 nhà hàng quán ăn đúng gốc Việt Nam, còn đa phần là của người Hoa, Thái, Campuchia bắt chước phong cách Việt.

Trong xã hội Pháp, nhìn chung người Việt được tôn trọng hơn hẳn so với người da màu và dân nhập cư từ Đông Âu do đa số hiền lành và hiếu học. Năm 2010, Pháp làm một cuộc nghiên cứu khiến nhiều người kinh ngạc, cho thấy cộng đồng người Việt có tỷ lệ cao nhất về trình độ đại học trong mọi sắc dân nhập cư.

Con em các gia đình người Việt thường hướng về những ngành nghề cao cấp trong xã hội như bác sĩ, luật sư, kỹ sư. Cộng đồng Việt kiều ở Pháp mang một bản sắc rất riêng, đó là thành phần trí thức khoa bảng chiếm tỷ lệ rất cao so với các cộng đồng người Việt gốc xuất khẩu lao động khác tại châu Âu. Paris là nơi đã đóng góp nhiều cho Tổ quốc Việt Nam các khoa học gia, bác sĩ, nhạc sĩ tài năng.

Dù giàu hay nghèo người Việt tại Pháp luôn giữ phong cách giản dị và lịch sự rất đặc trưng. Văn hóa Việt Nam chinh phục dân Paris âm thầm nhưng chắc chắn. Món ăn Việt được người Pháp thích thú, đón nhận, những từ như nước mắm, phở, nem, bún bò rất thông dụng ngay cả ở nhà hàng Tàu và siêu thị Tây. Buổi trưa người ta xếp hàng mua bánh mì thịt theo kiểu Việt Nam.

Nhiều thanh niên Pháp rủ nhau tới các hội người Việt học tiếng Việt, mặc áo tứ thân, áo dài, múa hát dân ca, tập võ cổ truyền. Pháp cũng là thị trường tiềm năng cho thực phẩm Việt Nam, dù có sự cạnh tranh không nhỏ từ Thái Lan. Rau quả tươi Việt Nam nhập khẩu Pháp chừng 3-4 ngày đã bán hết. Hải sản Việt Nam chiếm lĩnh các quầy đông lạnh tại mọi siêu thị.

Một tiệm phở của người Việt ở quận 13, Paris.

Một tiệm phở của người Việt ở quận 13, Paris.

Dù con số người Việt chỉ vài trăm ngàn nhưng trong lịch sử, Paris đã nhiều lần chứng kiến những phong trào, hoạt động của những người con nước Việt  hướng về quê hương để đấu tranh vì hòa bình, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn hay bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Từng là nơi sinh ra những tổ chức hung hãn nhất chống phá chế độ trong nước nhưng Paris cũng là nơi hận thù, dị biệt được xóa bỏ sớm nhất. Ngày nay nhiều tổ chức, hội đoàn cũ trở nên “hiền khô” và chuyển hướng từ hoạt động chính trị sang các hoạt động từ thiện, văn hóa để giúp quê nhà.

Paris và Việt Nam ngày nay trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với những quan hệ ngoại giao, cầu nối buôn bán, giáo dục, văn nghệ. Cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp chắc chắn sẽ là mảnh ghép rất quan trọng trong bức tranh về một Việt Nam hoàn toàn mới trong tương lai khi họ thừa hưởng những tinh hoa của văn hóa nhân loại cộng với tinh thần và bản sắc không hề mai một của dân tộc Việt Nam.

Các tin khác