Cổ phiếu bia nguy cơ bị thâu tóm

(ĐTTCO) - Là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ bia cao nhất thế giới, Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các hãng bia ngoại. 
Điều này đồng nghĩa các hãng bia nội đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm bởi đối tác ngoại khi Nhà nước có kế hoạch thoái vốn khỏi các công ty bia.
Nhu cầu giảm

Việc hãng bia ngoại sở hữu 2 tổng công ty bia lớn nhất cả nước cũng làm dấy lên lo ngại về sự xóa sổ của các hãng bia nội. Do vậy, ngành bia Việt Nam hiện tại đang trong giai đoạn chuyển tiếp rất nhạy cảm. Những thay đổi trong diện mạo và cấu trúc ngành sắp tới phụ thuộc vào quyết định thoái vốn và trao tay quyền sở hữu của Bộ Công Thương.
Theo thống kê của Kirin Holdings, năm 2015 Việt Nam tiêu thụ hơn 3,8 tỷ lít bia, đứng thứ 11 thế giới về tổng lượng tiêu thụ. Trung bình, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 41,1 lít bia/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (27 lít/người) và của châu Á (18 lít/người).
Trong khu vực châu Á, Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng, tổng lượng tiêu thụ bia của người dân Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng chậm lại từ năm 2014. Theo đó, giai đoạn 2009-2013 lượng tiêu thụ bia hàng năm tăng với tốc độ 12-14%, đến 2014 và 2015 con số này giảm xuống ở mức 5-6%/năm.
Tương tự, tốc độ tăng trong mức tiêu thụ bia bình quân đầu người hàng năm cũng giảm dần từ năm 2011, từ 13,75% trong năm 2010 xuống còn 2,75% vào năm 2015 dù vẫn tăng về con số tuyệt đối. Điều này cho thấy sức nóng trong thị trường bia Việt Nam đã bắt đầu giảm nhiệt cũng như quy mô ngành đã lớn nên tốc độ tăng khó có thể cao được như trước. 

Một trong những lý do khiến nhu cầu bia giảm do chính sách hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ sinh giảm và tỷ trọng dân số già trên 65 tuổi tiếp tục tăng cho đến năm 2050, tức độ tuổi trung bình của người Việt Nam sẽ ngày càng cao trong những năm tới.
Theo nghiên cứu của MSV Group, tại các thị trường tiêu thụ đồ uống có cồn ở châu Á, khi độ tuổi tăng lên, người tiêu dùng sẽ giảm tiêu thụ bia chuyển sang các loại rượu. Trong khi 91% bia tiêu thụ tại Việt Nam thuộc về nhóm tuổi 18-39. Như vậy, chỉ 9% lượng bia tiêu thụ còn lại được đóng góp từ những người trong nhóm tuổi từ 40 trở lên.Sức ép từ đối thủ ngoại
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), tính đến năm 2016 cả nước có 129 cơ sở sản xuất bia tại 43 tỉnh, thành phố. Thị trường bia trong nước tuy có số lượng cơ sở sản xuất lớn, nhưng hầu hết chịu sự quản lý của 2 tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) và Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (BHN), khiến sức mạnh chi phối toàn ngành sản xuất bia Việt gần như nằm trong tay SAB, BHN, cùng 2 doanh nghiệp ngoại là Heineken và Carlsberg (4 ông lớn hiện chiếm hơn 90% thị phần toàn ngành).  Độ phủ của các hãng bia còn lại có xu hướng phân chia theo miền. Cụ thể, SAB chiếm lĩnh khu vực miền Nam, Carlsberg sở hữu 100% thương hiệu bia Huế hiện diện nhiều nhất ở miền Trung, BHN dẫn đầu thị trường miền Bắc, còn Heineken phủ sóng rộng rãi tại miền Trung và miền Nam. 10% còn lại thuộc về các công ty bia nước ngoài mới gia nhập ngành như Sapporo và AB-Inbev cùng với các công ty bia với quy mô nhỏ như Masan Brewery, với thương hiệu bia Sư Tử Trắng (tiêu thụ nhiều nhất ở khu vực ĐBSCL).  Do đã đạt được vị trí thống lĩnh tại các khu vực lân cận, các hãng bia lớn bắt đầu các chiến dịch bành trướng thị phần sang các vùng miền xa hơn. Điều này khiến các hãng bia trong ngành phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt để giữ vững và mở rộng thị phần. Đáng chú ý là thị phần tiêu thụ của SAB và BHN không tăng trong giai đoạn 2011-2015, trong khi Heineken, Carlsberg, Sapporo thể hiện xu hướng tăng qua các năm, cho thấy các công ty bia ngoại đang dần thắng thế trong cuộc chiến tranh giành thị phần ngành bia Việt Nam.  Không chỉ gặp cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất trong nước, bia Việt còn phải cạnh tranh với các loại bia nhập khẩu đang ồ ạt tiến vào thị trường. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết cũng khiến thuế nhập khẩu bia giảm mạnh, xu hướng tiêu dùng cao cấp hóa và thu nhập cá nhân tăng, các dòng bia nhập ngoại dường như được ưa chuộng hơn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn.
Cổ phiếu bia nguy cơ bị thâu tóm ảnh 1 Hai thương hiệu bia Sabeco và Habeco nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các hãng bia ngoại. 
Giai đoạn nhạy cảm 
Theo thống kê của CTCK FPT (FPTS), hiện có 12 doanh nghiệp bia đang niêm yết trên TTCK (phần lớn là công ty con/công ty lên kết của SAB và BHN). Tại thời điểm ngày 24-7, vốn hóa ngành bia trên TTCK chiếm khoảng 65% thị phần toàn ngành bia Việt Nam. Vốn hóa của các công ty trong ngành bia Việt Nam chiếm đến 9,23% tổng giá trị vốn hóa VN Index, chủ yếu do SAB với 151.022 tỷ đồng là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 toàn thị trường.
Hiện đại diện vốn nhà nước là Bộ Công Thương đang nắm giữ hơn 80% tại mỗi tổng công ty. Trong khi đó, SAB đang sở hữu 23 công ty con và 14 công ty liên kết, BHN sở hữu 17 công ty con và 6 công ty liên kết. Như vậy, có thể nói phần lớn ngành bia Việt Nam chịu sự chi phối và kiểm soát bởi Nhà nước. Tuy nhiên, với lộ trình Bộ Công Thương thoái vốn khỏi 2 tổng công ty theo nguyên tắc Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ, thị trường có quyền hy vọng về diện mạo mới cho ngành bia Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều hãng bia ngoại lớn như Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan bày tỏ sự quan tâm tới việc mua lại cổ phần tại SAB và BHN. Đặc biệt, với tư cách là cổ đông chiến lược của Habeco, Carlsberg được quyền ưu tiên mua lại khi Nhà nước thoái vốn.
Khi việc thoái vốn hoàn tất, các hãng bia ngoại lớn này được kỳ vọng mang đến những chiến lược tái cấu trúc hiệu quả cho tổng công ty và các công ty con, nâng cao chất lượng nhà máy và quy trình sản xuất lên chuẩn thế giới.

Các tin khác