Nguyên nhân khiến cho nhóm CP đường chịu áp lực giảm giá là do sự cạnh tranh từ sản phẩm nhập ngoại, khiến cho lượng hàng tồn kho đang đứng ở mức cao.
Nỗ lực cứu giá bất thành
Ngày 13-3, HĐQT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đã họp bàn và thông qua phương án mua lại CP làm CP quỹ. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến mua lại tối đa hơn 83,5 triệu CP (tương đương 15% CP đã phát hành). Nguồn vốn để sử dụng cho kế hoạch mua CP quỹ này được lấy từ nguồn thặng dư cổ phần trên BCTC riêng đã kiểm toán gần nhất. Thời gian thực hiện ngay khi được UBCKNN chấp thuận, giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không vượt quá 30.000 đồng/CP.
Nếu theo đúng lộ trình, 22 nhà máy có công suất chế biến dưới 3.000 tấn mía đường có khả năng phải đóng cửa do thua lỗ. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy đường mà còn tác động đến việc làm của nông dân trồng mía trên cả nước. Ông PHẠM QUỐC DOANH, Chủ tịch VSSA |
Trước đó, bà Đặng Huỳnh Ức My, Thành viên HĐQT, đã đăng ký mua vào 5 triệu CP SBT trong khoảng thời gian từ ngày 23-2 đến ngày 16-3. Sau đó, bà My đã mua đủ số CP đăng ký và nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,94% lên 5,84% (tương đương 32,52 triệu CP). Nỗ lực mua vào CP này giúp cho SBT tăng giá mạnh trong 2 phiên giao dịch ngày 13-3 và 14-3 lên mức 19.300 đồng/CP. Tuy nhiên, ở những phiên giao dịch sau đó, SBT tiếp tục rơi vào tình trạng giảm giá trước áp lực bán ra từ những NĐT đang nắm giữ.
Đến phiên giao dịch ngày hôm qua (4-4), SBT giảm chỉ còn 17.450 đồng/CP. Như vậy, tính từ mức giá hơn 23.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018 đến nay, SBT đã mất gần 27% giá trị.
Cùng trong tình trạng này là CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS). Dù nhận được nhiều thông tin tích cực như doanh nghiệp mua CP quỹ hay cổ đông nội bộ đăng ký mua vào nhưng CP vẫn giảm. Thống kê tính từ đầu năm 2018 đến nay, LSS đã bốc hơi hơn 18% giá trị.
Doanh nghiệp mía đường có giá CP cao nhất ngành là CTCP Mía đường Sơn La (SLS) còn rơi vào tình trạng thê thảm hơn. Trong những phiên giao dịch đầu năm 2018, có thời điểm SLS tăng chạm mốc 180.000 đồng/CP, nhưng đến phiên giao dịch hôm qua, mã CP này chỉ còn giao dịch ở mức 79.000 đồng (tương đương mức giảm hơn 56%). Thậm chí SLS suy giảm bất chấp thông tin tích cực được tung ra trong thời điểm này là doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức bằng CP với tỷ lệ 20%.
CP của 2 doanh nghệp đường đang niêm yết còn lại là CTCP Đường Kon Tum (KTS) và CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng giảm giá mạnh, bất chấp những nỗ lực cứu giá từ Ban điều hành.
Hệ thống các nhà máy chế biến đường của TTC đã hiện đại hóa để đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Chờ nỗ lực từ phía doanh nghiệp
Không khó để lý giải về nguyên nhân khiến cho nhóm CP đường lao dốc trong thời gian gần đây. Thực tế, triển vọng tăng trưởng của CP đường phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, giá đường và các chính sách bảo hộ của Nhà nước. Thế nhưng, những yếu tố này đang chống lại các doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nhà máy đường trên cả nước hiện đang tồn kho gần 400.000 tấn đường, đồng thời việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Theo đó, đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, thuế suất về 0%. Điều này khiến cho thị trường ngành đường cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với đường nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, cuối năm 2017, VSSA đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết của ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu đường theo hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5%. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi quyết định từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã có nỗ lực nhằm đối mặt với áp lực cạnh tranh từ ATIGA.
Theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT SBT, doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho thời khắc này trong hơn 3 năm qua. Niên độ 2016-2017, SBT đã tăng cường hoạt động M&A với các công ty cùng ngành, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào canh tác nông nghiệp giúp giảm giá thành sản xuất, hiện đại hóa công tác quản trị và điều hành, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng thông qua việc đa dạng và tối ưu hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ, củng cố và gia tăng thị phần của tất cả các ngành hàng, ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu trên lĩnh vực mía đường trong nước, sẵn sàng đối mặt và hướng đến cạnh tranh quốc tế.
Theo nhận định của CTCK FPT (FPTS), từ năm tài chính 2018-2020, doanh thu xuất khẩu của SBT sẽ chiếm từ 15-20% tổng doanh thu. Vì vậy, khả năng trước mắt việc giảm giá bán để cạnh tranh khi ngành đường hội nhập khiến biên lợi nhuận SBT bị ảnh hưởng.
Nhưng để bù đắp lại lợi nhuận trong những năm bản lề của giai đoạn hội nhập, SBT sẽ lấy từ các nguồn thu khác như: thanh lý các khoản đầu tư tài chính, tăng quy mô luyện đường thô. Lộ trình đến 2020, SBT cải thiện dần biên lợi nhuận thông qua hạ giá thành sản xuất mía. Trên cơ sở đó, giới phân tích dự báo, lợi nhuận trước thuế của SBT năm tài chính 2018 đạt 682 tỷ đồng, từ năm 2018 đến năm 2020 tăng trưởng với tốc độ 10%/năm.