Cổ phiếu đường khó bứt phá, vì sao?

(ĐTTCO) - Việc Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường từ tháng 10, được dự báo sẽ giúp cổ phiếu đường trong nước bứt phá, nhưng liệu rằng nhóm ngành này có thể bật tăng như kỳ vọng?
Cổ phiếu đường khó bứt phá, vì sao?

Bớt nỗi lo về giá

Quyết định cấm xuất khẩu đường của Chính phủ Ấn Độ là nhằm đảm bảo nhu cầu nội địa, cũng như do lo ngại sản lượng yếu khi hiện tượng El Nino gây hạn hán.

Tuy nhiên, trước khi Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu, giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4 cũng xuất phát từ sản lượng đường của Ấn Độ giảm 5% so với cùng kỳ kéo theo kim ngạch xuất khẩu giảm 46%. Cụ thể, tại thời điểm đạt đỉnh, giá đường thô ghi nhận mức tăng 56% so với cùng kỳ 2022 và tăng 35% so với thời điểm đầu năm 2023.

Cũng tại thời điểm đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng đường dự trữ trên toàn thế giới sẽ giảm 13% trong niên vụ 2022-2023, đã tạo áp lực khiến giá đường tiếp tục neo ở mức cao.

Dự báo sản lượng của USDA còn xuất phát từ việc Brazil - quốc gia lớn nhất thế giới về sản lượng đường cung ứng hàng năm - khuyến khích sản xuất nhiều hơn ethanol từ mía, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu ngày càng tăng do OPEC quyết định cắt giảm sản lượng. Yếu tố nữa là cuộc xung đột Nga - Ukraine làm ảnh hưởng lượng củ cải được xuất khẩu từ 2 quốc gia này, đã khiến sản lượng đường từ củ cải được dự báo giảm.

Tại thị trường trong nước, giá đường bắt đầu được kéo tăng theo đà tăng của thế giới, và việc thực hiện chính sách chống trợ cấp, chống bán phá giá nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước đường nhập khẩu từ Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 4 thế giới.

Trong tháng 5, giá đường trong nước đạt đỉnh 20.000 đồng/kg (tăng 12% so với cùng kỳ và tăng 10% so với đầu năm). Nay với việc Ấn Độ siết nguồn cung, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến giá đường thế giới không chỉ ở niên vụ 2021-2022, còn kéo dài tới niên vụ 2023-2024.

Áp lực đường ngoại

Ngành mía đường Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với đường nhập khẩu, ngay sau khi hiệu lực về cắt giảm thuế quan theo hiệp định ATIGA kể từ ngày 1-1-2020. Cụ thể, ngay trong năm 2020, tổng sản lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng 34%, trong khi đường sản xuất trong nước giảm 24%.

Nguyên nhân chủ yếu do khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam kém hơn rất nhiều so với các quốc gia sản xuất mía đường lớn trên thế giới. Đơn cử, chi phí sản xuất, chế biến và quản lý sản xuất của mía đường Việt Nam cao hơn Thái Lan lần lượt 30%, 183% và 53%. Điều này làm giá đường nhập khẩu thường thấp hơn đường trong nước khoảng 200-300 đồng/kg.

Từ thực tế này, có thể thấy, việc giá đường thế giới tăng cao cũng sẽ tác động tiêu cực lên ngành đường Việt Nam, khi đường nhập khẩu đang chiếm tới 2/3 nhu cầu tiêu thụ. Trong khu vực ASEAN, sản lượng đường sản xuất của Thái Lan ở mức cao có thể làm tăng thêm áp lực đường nhập lậu lên nguồn cung đường Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024.

Theo USDA, hiện sản lượng đường của Thái Lan đạt 11 triệu tấn (tăng 8,3% so với cùng kỳ). Trong niên độ 2023-2024, sản lượng đường dự kiến tăng lên 11,2 triệu tấn (tăng 1,5% so với cùng kỳ). Do đó, USDA dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu 11 triệu tấn (tăng 57% so với cùng kỳ) trong niên độ 2022-2023 và 12 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ) trong niên độ 2023-2024.

Áp lực cạnh tranh từ đường Thái Lan là nguyên nhân khiến Bộ Công Thương áp hạn ngạch nhập khẩu đường. Cụ thể, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với mặt hàng đường nguyên liệu xuất xứ Thái Lan, với tổng thuế suất 47,64%.

Sau khi triển khai, tổng lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam giảm từ 1,7 triệu tấn trong năm 2021 xuống còn 1,2 triệu tấn trong năm 2022. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc kiểm soát đường nhập lậu đã được cải thiện kể từ quý II-2023 nhờ đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Tuy nhiên, quyết định bảo vệ ngành đường trong nước cũng không hẳn tác động tích cực lên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động thương mại như CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS). Cụ thể, tăng trưởng doanh thu trong niên vụ 2022-2023 của LSS bị ảnh hưởng do lượng đường nhập khẩu thấp.

Trong 3 quý đầu năm tài chính 2022-2023, LSS công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 1.000 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ) và 16 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ). Đối với hoạt động sản xuất đường, LSS sản xuất được khoảng 55.000 tấn/năm, chiếm 52% sản lượng tiêu thụ, mức thấp so với các công ty cùng ngành. Do đó, việc tăng giá đường không mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp này.

Cùng trong hoàn cảnh tương tự là các doanh nghiệp như CTCP Mía đường Cao Bằng (CBS), CTCP Đường Kon Tum (KTS). Các doanh nghiệp này có quy mô và diện tích mía nhỏ, nên mức độ hưởng lợi từ chính sách chống bán phá giá và trợ cấp đường nhập khẩu từ Thái Lan không nhiều.

Ở phía ngược lại, hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất và diện tích mía lớn, do chủ động được nguồn nguyên liệu và không nhập khẩu đường thô nhiều. Đơn cử như CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) hay CTCP Mía đường Sơn La (SLS).

Dù có sự trái chiều về điều kiện kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp đang có điểm bất lợi chung là nỗi lo về sự giảm nhu cầu. Nguyên nhân là Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến về Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5-2024. Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với “sản phẩm nước giải khát có đường, theo Tiêu chuẩn Việt Nam”.

Cụ thể, đồ uống có đường bao gồm nước uống có ga, nước tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước uống chứa trà, nước uống chứa cà phê và nước uống trái cây. Đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính đề xuất dự luật này.

Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã đề xuất việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường nhưng không được thông qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp thuế sẽ dẫn đến mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt Nam giảm 860-900 triệu lít.

Ngành đường đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung đầu vào khi diện tích trồng mía ngày càng giảm. Nguyên nhân do nông dân chuyển đổi cây mía sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như sắn hay bắp với lợi nhuận cao hơn 10-20 lần.

Các tin khác