Cổ phiếu hàng không qua cơn bĩ cực

(ĐTTCO) - Các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên. Kế đến là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không, cuối cùng là các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ hồi phục. Và ngành hàng không Việt cũng đang kỳ vọng điều này.
Hậu covid sẽ là cơ hội cho CP hàng không giá rẻ.
Hậu covid sẽ là cơ hội cho CP hàng không giá rẻ.
Khó khăn đã đi qua
Có thể xem 2021 là năm kinh hoàng nhất trong lịch sử ngành hàng không. Sự ảnh hưởng tiêu cực thể hiện ở lượng hành khách vận chuyển bằng đường hàng không trong giai đoạn tháng 6 cuối năm 2021 chỉ đạt 517.000 hành khách.
Con số này thậm chí thấp hơn lượng khách thấp nhất trong giai đoạn trước đó là 563.700 hành khách chỉ trong tháng 5. Vận chuyển hành khách quốc tế còn chứng kiến sự sụt giảm thê thảm với chỉ hơn 105.000 hành khách (giảm 96,5%).
Tính đến giữa tháng 2, số lượng người đã được tiêm vaccine đủ 2 liều khoảng 73,9% dân số, trong đó người từ 19 tuổi trở lên chiếm 69% dân số. Điều đó cho thấy toàn bộ đối tượng đủ điều kiện đã được tiêm đầy đủ vaccine, không chỉ ở các trung tâm kinh tế lớn còn ở tất cả tỉnh thành khác.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, khi nối lại hoàn toàn các đường bay nội địa vào cuối tháng 12-2021. Các đường bay quốc tế cũng được dự báo nhộn nhịp trở lại sau quyết định mở lại từ ngày 15-2 và mở lại hoàn toàn hoạt động ngành du lịch từ ngày 15-3. 
Trong bối cảnh số ca bệnh vẫn tăng, việc nới lỏng các hạn chế đối với vận tải hàng không cho thấy Chính phủ đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Cùng với việc biến chủng Omicron không cho thấy sự nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó, giới phân tích cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của mảng vận tải hàng không đã qua đi.

Cơ hội cho hàng không giá rẻ
Với những kế hoạch cụ thể trong việc nối lại giao thông hàng không, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo tổng lượng khách nội địa trong năm 2022 ước đạt 30 triệu lượt (tăng 89,9% so với năm 2021 và 71% so với năm 2020), trong khi đó lượng khách quốc tế 5 triệu (tăng 4.661% so với năm 2021 và 34,4% so với năm 2020).
Thế nhưng, sự phục hồi này không tạo nên lợi thế dàn đều cho các phân khúc vận tải. Cụ thể, trong trạng thái bình thường, thị trường quốc tế thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành hàng không. 
Điển hình như Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (HVN) với 65% doanh thu đến từ thị trường quốc tế, trong khi con số này ở CTCP Hàng không Vietjet (VJC) hơn 50%. Không chỉ đối với các hãng vận tải hàng không, các sân bay và các doanh nghiệp dịch vụ cũng có cơ cấu doanh thu tương tự.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, 2 quốc gia có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 56% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019). Đây là 2 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng rất lớn, lần lượt 96,4% và 73%.
Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa trở lại của Trung Quốc chưa chắc chắn do quốc gia này đang theo đuổi chiến lược Zero-Covid, sẽ khiến thị trường vận tải quốc tế chưa thể bùng nổ như kỳ vọng.
Trước mắt, kỳ vọng của ngành được đặt vào thị trường vận tải hành khách nội địa. Theo đánh giá và nghiên cứu của CDB Aviation, các hãng hàng không sẽ có sự hồi phục tốt sau đại dịch là các hãng giá rẻ với đội bay trẻ, tiết kiệm nhiên liệu, vị thế thống lĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế chặng ngắn.
Ngoài ra, do dịch bệnh ảnh hưởng đến khả năng kinh tế, khiến lượng hành khách du lịch thích các hãng hàng không giá rẻ và cực rẻ tăng. Đây là phân khúc được dự báo phục hồi và tăng nhanh hơn so với đối tượng là doanh nhân không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh.

Doanh nghiệp nào được hưởng lợi?
Kỳ vọng về sự phục hồi của ngành hàng không đã giúp cho CP của các doanh nghiệp tăng từ 20-30%, bất chấp những diễn biến tiêu cực của thị trường chung.
Với tính chất quan trọng trong hoạt động vận tải, đặc biệt là phương tiện để kết nối giữa các quốc gia trên thế giới, hàng không dự báo có những bước nhảy mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2022-2024 khi hoạt động khai thác hồi phục mạnh và tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, mức độ hồi phục của các doanh nghiệp sẽ khác nhau đối với từng chuỗi giá trị trong ngành, dựa trên việc đánh giá về nhu cầu cùng mức độ cạnh tranh trong ngành. 
Theo nhận định của BVSC, với mô hình giá rẻ, VJC không chỉ cắt giảm chi phí dễ dàng hơn so với HVN, còn có tỷ lệ nợ/tổng tài sản luôn duy trì lành mạnh ở mức 0,66-0,76% trong suốt giai đoạn đại dịch nhờ phần lớn tài sản được đi thuê.
Điều này tạo dư địa để VJC tăng khả năng tín dụng nhằm tài trợ cho việc mở rộng đội bay khi các đường bay quốc tế được nối trở lại. VJC có kế hoạch nhận máy bay trong giai đoạn từ 2021-2023 lần lượt 8, 11 và 25 chiếc. Do đó, VJC có thể nắm bắt được sự hồi phục của ngành hàng không giai đoạn hậu đại dịch. 
Trong khi đó, HVN đã phải tăng thêm 8.000 tỷ đồng vốn bổ sung để tránh âm vốn chủ, nhưng tổng công nợ vẫn chiếm đến 98% tổng tài sản. Điều này sẽ cản trở việc mở rộng đội bay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Không chỉ vậy, HVN còn đang thực hiện bán 11 máy bay do khó khăn về tài chính. Điều này tuy giúp giải quyết vấn đề khó khăn trong ngắn hạn, nhưng ảnh hưởng đến năng lực khai thác trong dài hạn khi làm giảm quy mô đội bay, gián tiếp ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của HVN.
Dù tốc độ hồi phục có thể khác nhau, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, đây vẫn là thời điểm thích hợp để tích lũy CP hàng không có khả năng hồi phục tốt, được thể hiện ở năng lực khai thác lớn với lợi thế cạnh tranh bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có cơ cấu tài chính đủ an toàn để phòng rủi ro kế  hoạch mở lại các đường bay không diễn ra thuận lợi, làm suy giảm tốc độ hồi phục của các doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất khi tần suất các chuyến bay được tăng lên. Kế đến là các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, dịch vụ hàng không và suất ăn hàng không. Cuối cùng là các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Các tin khác