Trong kỳ này, các chỉ số VN30 và VNFin Lead sẽ thực hiện thay đổi về CP thành phần, còn các chỉ số VNDiamond, VNFin Select và bộ chỉ số VNX-Index sẽ chỉ cập nhật số liệu và tính toán lại tỷ trọng danh mục. Ngày có hiệu lực của các rổ chỉ số mới là 7-2.
Theo số liệu lấy tại thời điểm cuối năm 2021, CTCK Bảo Việt (BVSC), dự báo VND (CTCK VNDirect) nhiều khả năng sẽ được thêm vào chỉ số VNFin Lead trong kỳ review lần này do mã CP này đã đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian niêm yết, thanh khoản, cũng như tỷ lệ CP chuyển nhượng tự do. Ở chiều ngược lại, nhiều khả năng sẽ không có mã CP nào bị loại ra khỏi chỉ số.
Với các ước tính trên, quỹ SSIAM VNFin Lead sẽ mua vào khoảng 1,4 triệu CP VND tương ứng với tỷ trọng trong danh mục khoảng 3,3%. Ngoài ra, các CP được tăng tỷ trọng trong kỳ cơ cấu lần này, như: TCB (Techcombank), VPB (VPBank), SSI (CTCK Sài Gòn). Ở chiều ngược lại, các CP bị bán ra để giảm tỷ trọng, như: ACB, MBB (Quân đội), STB (Sacombank).
Đối với chỉ số VN30, trong kỳ cơ cấu lần này, BVSC dự báo sẽ không có CP nào thêm vào cũng như bị loại ra khỏi rổ chỉ số. Các mã có thể được tăng tỷ trọng đáng kể trong lần tái cơ cấu này, bao gồm: HPG (Hòa Phát), TCB, MWG (Thế giới di động), VRE (Vincom Retail). Ở chiều ngược lại, các mã bị giảm tỷ trọng, bao gồm: VIC (Vingroup), MSN (Masan), TPB (TienphongBank), GAS (PV Gas).
Được biết, hiện có 4 quỹ ETF trên thị trường đang sử dụng VN30 làm tham chiếu, bao gồm: VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset VN30 và KIM VN30. Trong đó, quỹ VFM VN30 đang có quy mô lớn nhất với giá trị tài sản ròng khoảng 11.000 tỷ đồng.