Quản trị rủi ro và nợ xấu tại NHTM đang được các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm trước kỳ Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay. Mặc dù kết thúc năm 2012 không nhiều thuận lợi, nhưng trong bức tranh ảm đạm chung, mã cổ phiếu ngân hàng (NH) có tính ổn định cao vẫn được nhiều chuyên gia chứng khoán khuyến nghị mua vào hay nắm giữ trong dài hạn. Đây cũng được xem là kênh bảo an đồng vốn trước diễn biến khó lường trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Lợi nhuận “thực” hơn
Là ngành chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ diễn biến bất lợi của nền kinh tế, cổ phiếu NH đã dần đánh mất vị thế “vua” khi những rủi ro từ tăng trưởng tín dụng nóng, những yếu kém trong quản trị bộc lộ, cũng như nợ xấu tăng cao tiềm ẩn khả năng mất vốn tại một số NH.
Vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn khi các cổ đông tiếp tục nhận nhiều thông tin không mấy khả quan từ kết quả hoạt động năm 2012 khá khiêm tốn của nhiều NHTM.
Theo một lãnh đạo NHTM, trong thế khó hiện nay khi các NHTM đang trải qua những cuộc kiểm tra sức khỏe gắt gao, nhất là hiện nay chương trình tái cơ cấu đang bước vào giai đoạn đầu… NH nào có lãi và tỷ lệ chia cổ tức bằng hoặc trên trần lãi suất tiền gửi đã quá tốt. Điều này cổ đông cũng cần hiểu và thông cảm. Theo đó cổ đông nên nhìn vào dài hạn, nhất là khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, sự vươn lên sẽ diễn ra thực sự nhanh chóng với những NHTM có chiến lược đầu tư bài bản và đem lại giá trị gia tăng cao và bền vững cho cổ đông. |
Nguyên nhân chính do tín dụng tăng trưởng thấp, sức cầu trong và ngoài nước giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao đã hạn chế khả năng hấp thụ vốn và trả nợ của doanh nghiệp, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các NHTM rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại tài sản đảm bảo nhằm xác định giá trị, từ đó trích lập tối đa dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, trong đó không chỉ trích lập những khoản dự phòng rủi ro tín dụng mà còn dự phòng giảm giá chứng khoán, dự phòng phải thu khó đòi…
Điều này khiến lợi nhuận nhiều NH giảm sút so với năm trước đó. Do vậy, cổ đông khó mong chờ năm nay nhận được lợi tức cao.
Trong bối cảnh đó, quản trị rủi ro cùng kết quả kiểm soát nợ xấu ở mức thấp là tiêu chí quan trọng cho thấy sức mạnh nội tại của một tổ chức tín dụng.
Theo các chuyên gia, việc NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ sẽ giúp phản ánh minh bạch thực trạng kết quả tài chính, là những tiền đề phát triển bền vững cho các NHTM trong thời gian tới. Bản thân các cổ đông và NĐT cũng có thể giám sát được sức khỏe tài chính của NH dễ dàng và có quyết định đầu tư chính xác hơn.
Khi hoạt động của NH đi vào thực chất hơn, dù không còn xuất hiện những kết quả lợi nhuận tăng “nóng” nhưng cổ phiếu NH vẫn là mã hấp dẫn về dài hạn trong mắt NĐT. Điều này được chứng minh bằng những mã cổ phiếu có nền tảng quản trị rủi ro khá tốt hiện nay như Eximbank, MBB, VCB… nằm trong cơ cấu danh mục đầu tư an toàn của nhiều NĐT.
Điểm lại số liệu kinh doanh 2012 của NHTMCP Quân Đội (MB), có thể thấy các hoạt động chính gồm tín dụng, huy động, dịch vụ, thanh toán, thẻ… đều giữ mức tăng ổn định 20-30% so với năm 2011. Cụ thể, với MBGroup, tổng tài sản đạt 175.610 tỷ đồng; huy động vốn đạt 152.358 tỷ đồng (trong đó huy động từ khách hàng 117.747 tỷ đồng); tổng dư nợ cho vay đạt 74.479 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 3.090 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,84%.
Riêng với MB, các chỉ tiêu tài chính giữ được mức tăng trưởng ổn định so với năm 2011. Cụ thể, tổng tài sản tăng 29%; huy động vốn tăng 32%; dư nợ tăng 27% và lợi nhuận trước thuế 3.024 tỷ đồng. Với các kết quả này, dù chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng lần đầu tiên MB đứng đầu trong khối NHTMCP về chỉ tiêu lợi nhuận và hiệu suất lợi nhuận/cán bộ nhân viên.
Trong đó, nhiều chỉ tiêu của MB được Moody đánh giá cao như: khả năng sinh lời mạnh, tỷ lệ an toàn vốn và tính hiệu quả hoạt động cao. Dự kiến, tại ĐHCĐ năm nay, MB sẽ thông qua việc chia cổ tức 10% cho cổ đông. Mức chia này được các chuyên gia đánh giá là hợp lý trong điều kiện hoạt động của ngành NH vẫn tiếp tục với không ít rủi ro trong năm 2013.
Theo nhận định của giới tài chính, MB đang có lợi thế tập đoàn, có những cổ đông và đối tác chiến lược tiềm lực, cùng thị phần khách hàng ổn định trong và ngoài nước. Đặc biệt, MB vẫn kiên trì với định hướng tăng trưởng hợp lý, tái cơ cấu hiệu quả, trong đó quản trị rủi ro chặt chẽ thông qua cơ chế phối hợp giám sát, đảm bảo hoạt động MB luôn được kiểm soát tốt. Do vậy, các chỉ số an toàn vốn (CAR), nợ xấu và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đều nằm trong giới hạn cho phép của NHNN.
2013 lợi thế đường dài
Từ định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và kết quả kinh doanh năm ngoái, nhiều NHTM khá thận trọng trong đưa ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2013. Đây là thời kỳ các NHTM sẽ phải “cày” để kiếm lợi nhuận trên những mảng kinh doanh chính (cho vay, dịch vụ…) của NHTM, đặc biệt quyết liệt xử lý nợ xấu và hạn chế tối đa nợ xấu mới trong cho vay.
Nhất là khi Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro… có hiệu lực, nợ quá hạn của các NHTM có thể tăng cao hơn, mức trích lập dự phòng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Vì thế, dù đạt kết quả tốt trong năm 2012, MB cũng khá thận trọng khi đưa ra phương châm “Tái cơ cấu, phát triển bền vững”.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại MB. Ảnh: CAO THĂNG |
Điều này thể hiện khá rõ trong báo cáo gửi tới cổ đông trước thềm ĐHCĐ với các chỉ tiêu kế hoạch được đưa ra khá chặt chẽ, phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế và tiềm lực phát triển. Cụ thể, năm 2013 MB đưa ra chỉ tiêu vốn điều lệ phấn đấu đạt 15.000 tỷ đồng; tổng tài sản của riêng NH đạt 190.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của riêng NH là 3.400 tỷ đồng và hợp nhất là 3.523 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2,5%.
Theo đó, MB kiên trì phát triển theo chiến lược phát triển 5 năm (2011 - 2015) được đề ra đồng thời thích ứng với tình hình thực tế, thực hiện những cải tổ mạnh mẽ, đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghệ thông qua tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Viettel - đối tác chiến lược của MB. Đặc biệt, MB sẽ phát triển các sản phẩm có tích hợp hàm lượng công nghệ cao đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ của cán bộ nhân viên.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục có những gói tín dụng ưu đãi lãi suất vào những lĩnh vực khuyến khích của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng MB sẽ không đi theo con đường hạ thấp các chuẩn mực tín dụng, mà đi sâu mục tiêu đồng hành hiệu quả với doanh nghiệp, người vay tiền trong các ngành nghề cụ thể; thủ tục thuận tiện hơn khi vay vốn, với những phương án kinh doanh khả thi hơn.
Đặc biệt, MB sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm theo chuỗi, tăng cường hoạt động bán chéo giữa các sản phẩm MB, giữa MB với các công ty thành viên và giữa các công ty thành viên với nhau. Điều này cũng nằm trong chiến lược phát triển thành mô hình tập đoàn đang được MB triển khai mạnh mẽ” - lãnh đạo MB chia sẻ.