Giá trị vốn hóa lớn
Nếu dòng tiền mua vào CP cùng với kỳ vọng chỉ số thị trường cũng đi lên, CPNH là sự lựa chọn lý tưởng nhất ở thời điểm hiện tại, vì đây là nhóm CP có giá trị vốn hóa lớn và số lượng đông đảo nhất trên sàn. Hiệu ứng CPNH tạo ra đa chiều, như góp phần đẩy VN Index tăng, thị trường lại hút tiền và do là CP dẫn dắt, nên nhóm NH lại được hưởng lợi. Hiệu ứng này còn lan tỏa sang các ngành như tài chính, bảo hiểm, chứng khoán. Vậy vì sao không ít CP khác cũng có vốn hóa lớn nhưng dòng tiền lại chỉ chọn CPNH?
Mấu chốt nằm ở sự tương quan giữa các CP. Phần lớn CPNH từ VCB, BID, CTG đều có giá trị vốn hóa lớn. Muốn chọn những NH mới niêm yết, hoạt động hiệu quả có thể nhắm đến VPB, HDB. Hoặc muốn chọn những CPNH kỳ cựu, hoạt động ổn định, nền tảng vững chắc sẽ là ACB, MBB.
Thực ra mỗi NH có thể đạt được nhiều tiêu chí nêu trên, cho thấy hoạt động của các NH có sự tương quan khá lớn. Khoảng 10 năm trước đã từng xảy ra hiện tượng CP dòng họ Dầu khí, Sông Đà, Vinaconex, Lilama… Lúc đó, nhiều CP chả liên đới gì với nhau về hoạt động, nhưng chỉ cần cùng họ là có thể tăng giá đồng loạt. Vì thế, khi các NH đồng loạt báo lãi khủng, tăng cường tham gia mảng tài chính tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư công nghệ trong hoạt động, sẽ tạo ra nhiều điểm tương đồng và dòng tiền sẽ dễ lựa chọn, dễ dịch chuyển hơn.
Ngược lại, với nhóm CP vốn hóa lớn ngoài NH, sự lựa chọn sẽ trở nên khó khăn vì mỗi ngành từ thực phẩm, bất động sản, tiêu dùng, bán lẻ, vật liệu xây dựng, công nghệ… có cách vận hành khác nhau. Cho dù những công ty trong ngành cùng lúc báo lãi khả quan, cách đánh giá và khẩu vị của NĐT cũng sẽ khác.
Sự tương đồng chỉ diễn ra khi có đủ thông tin kết nối, chẳng hạn như chuyện Nhà nước thoái vốn đã từng tạo ra nhóm vốn hóa lớn tăng mạnh với những cái tên như FPT, BMP, DHG… Nhưng tin thoái vốn đã có từ rất lâu mà khẩu vị của thị trường luôn thay đổi. Hệ quả, dòng tiền chỉ tập trung tại một vài CP trong nhóm vốn hóa lớn ngoài CPNH, thậm chí dòng tiền ở một số CP thiếu sức hút còn chảy ngược về CPNH để tìm kiếm cơ hội.
VPBank dù mới lên sàn nhưng có thế mạnh riêng ở mảng tiêu dung từ FE Credit. Ảnh: P. LONG
Sức hút của sự kỳ vọng
Có thể nói, việc mua CPNH tại thời điểm hiện nay không thuần túy là việc lựa chọn một nhóm ngành để sinh lời, bởi đối với một số tổ chức đầu tư đây là câu chuyện “mua thị trường”. Sự bùng nổ của VN Index và những kỳ vọng về TTCK, hay diễn biến nền kinh tế sẽ buộc các quỹ dù muốn hay không phải xem xét giải ngân theo xu hướng tìm những CP có khả năng mô phỏng, liên quan mật thiết với diễn biến thị trường.
Và ở thời điểm hiện tại, ít CP nào soán được vị thế của CPNH. Sự đổ bộ của một loạt NH như HDB, VPB, LPB, VIP thời gian qua hay sắp tới có TPBank, Techcombank cũng sẽ tạo ra một nguồn cung hàng dồi dào đa dạng. Tất nhiên, khi có những tân binh, những cựu binh như SHB, MBB, ACB… cũng sẽ được tham chiếu và đánh giá lại.
Chính vì thế sức hút của nhóm CPNH hiện tại là kỳ vọng tăng trưởng, vốn là chất xúc tác không thể thiếu đối với CP nói chung. Đơn cử, trong mảng tài chính tiêu dùng, HDB với HD SAISON và VPB với FE Credit đang là những NH chiếm lợi thế lớn. HDB và VPB mới niêm yết chưa đến 1 năm nên về tài chính tiêu dùng cũng chưa thể lan tỏa đến số đông, vì vậy vẫn còn rất nhiều “room” để kỳ vọng.
Nhưng mảnh đất màu mỡ này cũng sẽ thu hút nhiều cái tên khác tham gia như SHB, MBB, với nguồn lực của mình các NH này cũng có thể tạo ra những kỳ vọng tăng trưởng khả quan. Không chỉ có vậy, việc đầu tư công nghệ để phát triển mảng bán lẻ cũng có thể tạo nên những câu chuyện thú vị trong thời gian đến đây.
Nửa cuối năm 2017 đã ghi nhận thu nhập tăng vọt của SHB, đặc biệt trong mảng bán lẻ. Trong đó, đáng chú ý là mảng phát hành thẻ của SHB đã và đang gia tăng thị phần đáng kể trên thị trường. Dịch vụ NH trực tuyến của SHB cũng đã được nâng cấp cả về các tính năng và tốc độ và điều này sẽ còn được duy trì trong thời gian tới đây. Động thái của SHB cũng được xem là việc tất yếu bởi sắp tới đây khi TPBank, một trong những NH được đánh giá cao về công nghệ sẽ chào sàn, nhiều khả năng sẽ trở thành tham chiếu để so sánh với các NH khác. Cần biết rằng tài chính tiêu dùng, công nghệ luôn tạo ra nhiều sức hút.
VN Index đã tăng gần 200 điểm, xấp xỉ 20% trong 3 tháng gần đây. GTGD mỗi phiên giai đoạn cuối 2017 đầu 2018 rơi vào tầm 6.000-7.000 tỷ đồng/phiên, nay lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền tăng như vậy, nhưng cơ hội tại các nhóm CP vẫn giữ nguyên khi chỉ có NH, chứng khoán, bất động sản hưởng lợi. Do vậy lựa chọn nhóm CP ngoài NH là thách thức và có cả may rủi cho các NĐT.
Đơn cử như việc mua BVH tại vùng giá khoảng 7.0 hồi đầu năm 2018, đến nay rơi vào tầm 10.8, tức đã lãi khoảng 50%. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này mua MWG với giá hơn 13.0, đến nay đã thiệt hại đáng kể vì giá chỉ còn hơn 10.0. Cả BVH (bảo hiểm) và MWG (bán lẻ) đều là CP của những nhóm ngành ngoài NH, cũng có vốn hóa lớn, vị thế đầu ngành, nhưng diễn biến trái ngược.
Trải qua giai đoạn tăng khá dài, xu hướng tăng của CPNH dù trong dài hạn có thể vẫn duy trì, nhưng trong ngắn hạn chắc chắn sẽ có sự phân hóa. Trước mắt, nhóm CPNH vốn hóa lớn vẫn sẽ duy trì vai trò dẫn dắt, nhưng biến động có thể sẽ thu hẹp. Dù vậy, khi thị trường vẫn còn được kỳ vọng sẽ tăng, khả năng bùng nổ trong từng giai đoạn, thậm chí từng khoảnh khắc sẽ rất lớn. |