Nhưng liệu cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) có đủ lực đẩy cho VN Index lên mốc 1.300 điểm như kỳ vọng của giới phân tích?
“Đầu kéo” chỉ số
VN Index nửa đầu năm 2023 tăng khoảng 28% từ mức thấp thấp nhất vào tháng 11-2022. Bên cạnh bối cảnh chung toàn cầu, các động lực giúp thị trường Việt Nam tăng điểm bao gồm: Chính phủ nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, qua đó giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư (NĐT); Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần cắt giảm lãi suất, với lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản so với đầu năm xuống lần lượt là 4,5% và 3%; chính sách tài khóa nhìn chung vẫn theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công…
6 tháng đầu năm dễ dàng nhận thấy, nhóm CP nhà băng gần như không có nhiều đóng góp vào đà tăng chung của thị trường. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm CP NH đã thể hiện một “bộ mặt” khác hẳn so với những tháng đầu năm.
VCB (Vietcombank) hiện là mã CP có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE với hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 11% tỷ trọng trong tổng vốn hóa của thị trường. Với mức vốn hóa “khủng” này, VCB được ví như mã CP “dẫn dắt” cả thị trường khi liên tục đóng góp rất nhiều điểm số cho VN Index.
Đơn cử là phiên giao dịch ngày 7-7, VCB tăng 4,3% lên 105.000 đồng và đóng góp cho chỉ số gần 5,5 điểm. Nhờ số điểm từ VCB, VN Index kết phiên tăng gần 12 điểm (1,05%).
Ở phiên giao dịch kế tiếp, khi VCB bị bán chốt lời mạnh và giảm nhẹ, thì mã NH khác là BID (BIDV) thay thế vị trí "tiên phong”. BID là mã có vốn hóa lớn thứ 3 trên sàn HoSE với hơn 250.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 5,4%). Phiên giao dịch này, BID tăng 6% và đóng góp 3,67 điểm.
Cũng trong phiên 10-7, nhóm CP nhà băng cũng đóng góp khá đáng kể vào đà tăng của VN Index gồm TCB (Techcombank) góp 0,45 điểm, MBB (MBBank) góp 0,35 điểm, VPB (VPBank) góp 0,35 điểm.
Dù vốn hóa chỉ đứng ở vị trí thứ 9 với 139.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng gần 3%), nhưng VPB cũng có những đóng góp khá lớn cho VN Index. Dẫn chứng là phiên giao dịch 18-7, với mức tăng đạt 2,4%, VPB trở thành mã CP đóng góp tích cực nhất cho VN Index với 1,22 điểm.
Không chỉ là mã CP đóng góp nhiều nhất về điểm số, VPB cũng đóng góp lớn nhất vào thanh khoản của sàn HoSE trong phiên này với 37,3 triệu CP được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt gần 777 tỷ đồng.
Từ những dữ liệu thống kê nêu trên, có thể thấy tác động của nhóm CPNH với VN Index là điều không có gì bàn cãi. Mới đây, một công ty chứng khoán (CTCK) ngoại là Maybank Investment Bank (MSVN), đã công bố báo cáo phân tích về khả năng VN Index đạt mốc 1.300 điểm trong năm 2023 với động lực chính là nhóm CP NH.
Cụ thể, trong báo cáo của mình, MSVN duy trì mục tiêu P/E cho VN Index ở mức 13,8x (trung bình 5 năm và 0,5 độ lệch chuẩn). Do đó, giá mục tiêu của VN Index trong năm 2023 sẽ giảm 7% xuống còn 1.300 điểm, tương ứng với mức tăng gần 15% so với mức hiện tại.
Không chỉ có MSVN, hầu như tất cả các CTCK đều có cùng nhận định về tầm quan trọng của nhóm CP NH đối với thị trường chung. Có thể lấy dẫn chứng từ báo cáo phân tích vừa được CTCK Vietcombank (VCBS) công bố. Theo đó, NH hiện vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường.
Đáng chú ý, phần lớn các NH vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong nửa đầu năm 2023.
Vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro
Trên thực tế, do những thách thức từ kinh tế tăng trưởng chậm cả trong và ngoài nước, các NH đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm 2023. Theo kế hoạch kinh doanh được các NH công bố tại ĐHCĐ, lợi nhuận mục tiêu của 26 NH niêm yết chỉ tăng 13,5% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp so với tăng trưởng năm 2022 là 33,6%.
Như vậy, ngoại trừ các NH đặt mục tiêu cao như VPB và STB (Sacombank), lợi nhuận trước thuế của các NH lớn chỉ thể hiện mức tăng trưởng mục tiêu 10,2%.
Việc các NH thận trọng với mục tiêu kinh doanh 2023 được cho là xuất phát từ mối quan ngại về chất lượng tài sản có dấu hiệu đi xuống trong vài quý gần đây.
Sự suy giảm này xuất phát từ các yếu tố như: nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng nhanh và ở mức cao làm giảm khả năng thanh toán của bên vay, tác động của suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn, thị trường bất động sản suy yếu và ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo VCBS, sự phân hóa về thuận lợi và khó khăn của nhóm NH được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023. Thậm chí, lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong 2024.
Khi đó, một số NH thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024, trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.
Ngược lại, những NH duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp hơn nhưng vẫn đem lại mức lợi nhuận có thể chấp nhận được trong giai đoạn nửa cuối năm.
Nhận định về nhóm CP NH trong nửa cuối năm 2023, CTCK Mirae Asset (MAS) đưa ra 2 luận điểm đầu tư chính. Cụ thể, với chiến lược đầu tư ngắn hạn, MAS khuyến nghị NĐT tập trung vào nhóm CP NH có mức định giá tương đối hấp dẫn, có các chất xúc tác ngắn hạn như phát hành riêng lẻ và khả năng phục hồi.
Đối với chiến lược đầu tư trung và dài hạn, NĐT ưu tiên chọn các NH có chiến lược kinh doanh thận trọng và kết quả kinh doanh bền vững trong nhiều năm trở lại đây. Kế đến là nhóm các NH quốc doanh với nhiều lợi thế trong huy động và cho vay kinh doanh.
Có thể thấy tác động của nhóm CPNH với VN Index là điều không có gì bàn cãi. Trên thực tế, do những thách thức từ kinh tế tăng trưởng chậm cả trong và ngoài nước, các NH đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm 2023.