Trong bối cảnh VN Index đang giao dịch “lình xình”, dự báo này khiến nhà đầu tư (NĐT) bất ngờ pha lẫn hào hứng.
Khủng hoảng bắt nguồn từ BĐS
Theo MSVN, trong số những trở ngại hiện nay, khủng hoảng bất động sản (BĐS) là trở ngại lớn nhất cho con đường phục hồi của Việt Nam hậu Covid-19. Thế nhưng, không giống như ở Trung Quốc, nơi có những vấn đề cơ bản liên quan đến cân bằng cung - cầu (cung vượt cầu), những thách thức của thị trường BĐS Việt Nam do chính sách gây ra nhiều hơn là do cân bằng thị trường, bởi nhu cầu vẫn mạnh và lớn hơn cung ở mọi phân khúc.
Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đóng băng BĐS hiện tại do quá trình cấp phép dự án bị trì hoãn quá lâu bởi các nút thắt về luật và chiến dịch chống tham nhũng, thị trường trái phiếu bị thắt chặt đột ngột vào năm 2022, lãi suất tăng ngoài tầm kiểm soát từ tháng 9-2022 (để bảo vệ đồng Việt Nam), đã hoàn toàn gây ra khủng hoảng thanh khoản giữa các nhà phát triển BĐS từ cuối năm 2022.
Điều này cuối cùng kéo theo toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng GDP trong quý I và quý II năm nay lần lượt giảm xuống 3,32% và 4,14%, gần bằng mức của thời kỳ phong tỏa do Covid-19.
MSVN lấy dẫn chứng từ Lâm Đồng, một trong những điểm nóng về BĐS, đã chứng kiến số lượng giao dịch đất nền giảm 75% trong quý I vừa qua. Trong khi BĐS đất nền tại các đô thị loại 2, ngoại thành hay nông thôn tại Lâm Đồng là phân khúc hứng chịu đổ vỡ của “bong bóng” BĐS mạnh nhất, các phân khúc khác cũng cảm nhận sức nóng này.
Chẳng hạn, tại thị trường thứ cấp ở Hà Nội và TPHCM, mặc dù một số khu vực ổn định vẫn tăng giá nhẹ, nhưng hầu hết căn hộ và đất nền đều giảm giá từ 4-9%. Sự sụt giảm cả về giao dịch lẫn giá cả khiến nhiều công ty BĐS phải sa thải lượng lớn nhân viên. Nhiều công ty niêm yết đã phải cắt giảm 50% số lượng nhân sự hoặc hơn trong 2 quý vừa qua để tồn tại.
Đảo chiều chính sách báo hiệu sự phục hồi
Để đối phó với nền kinh tế đang xấu đi, Chính phủ đã bất ngờ thay đổi chính sách một lần nữa, từ rất phòng thủ sang hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2023. Cụ thể, trong khi chính quyền trung ương sửa đổi các quy định về trái phiếu (Nghị định 08) nhằm khôi phục thị trường vốn, chính quyền địa phương đã cho phép các chủ đầu tư tái khởi động lại các dự án bị đình chỉ ngay cả khi không có giấy phép xây dựng, với hy vọng tái lưu thông dòng tiền và lấy lại niềm tin của người mua nhà.
Đặc biệt, hầu hết chính sách tài khóa được thực hiện trong thời kỳ Covid, như cắt giảm thuế hoặc hoãn thanh toán đều được áp dụng lại với quy mô tương tự vào tháng 4.
Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm lãi suất chính sách 125-150 điểm cơ bản (tương đương 60-70% của mức tăng 200 điểm cơ bản trong đợt tăng lãi suất ở tháng 9 và tháng 10-2022) chỉ trong quý II.
Theo MSVN, sẽ mất 3-6 tháng để chính sách cắt giảm lãi suất khiến chi phí huy động vốn của ngân hàng thấp hơn, từ đó cho phép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Việc cắt giảm lãi suất chính sách nêu trên đã kéo lãi suất cho vay trên thị trường giảm 2-2,5% (tương đương 40% của mức tăng 5% năm ngoái) xuống 10,5-11% và dự kiến giảm thêm 1-1,5% trong nửa cuối năm 2023.
Không loại trừ khả năng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản trong quý III do dữ liệu vĩ mô quý II vẫn còn yếu.
Hoàn toàn có khả năng đạt 1.300 điểm
Trước những bất ổn kinh tế, thị trường chứng khoán khởi động năm 2023 một cách thận trọng. VN Index chuyển động chậm trong biên độ hẹp 1.020-1.080 điểm trong quý I, chỉ vượt lên khỏi biên độ này khi NHNN chuyển sang chính sách nới lỏng và Chính phủ đôn đốc tìm giải pháp cho thị trường BĐS.
Mặc dù lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết gây thất vọng khi giảm 16%, nhưng việc lãi suất giảm đã thu hút các NĐT quay trở lại thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch hàng ngày trong tháng 6 tăng 60% lên 17.000 tỷ đồng (tương đương 720 triệu USD), so với 10.000 tỷ đồng (tương đương 450 triệu USD) trong tháng 1.
Với dự báo về khả năng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản khác trong quý III tới đây sẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường, giúp phục hồi thanh khoản và giá. Chính vì vậy, trước đó MSVN đã hạ dự báo tăng trưởng EPS thị trường năm 2023 từ 7,3% xuống 4,6%, để phản ánh nhiều hơn sự phục hồi kinh tế theo hình chữ U.
Thế nhưng, CTCK này vẫn duy trì mục tiêu P/E cho VN Index ở mức 13,8x (trung bình 5 năm và 0,5 độ lệch chuẩn). Do đó, giá mục tiêu của VN Index trong năm 2023 sẽ giảm 7% xuống còn 1.300 điểm, tương ứng với mức tăng gần 15% so với mức hiện tại.
Về nhóm ngành trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, MSVN dự báo các ngành có tính chu kỳ vượt trội trong giai đoạn phục hồi ban đầu. Mặc dù kết quả kinh doanh quý I đáng thất vọng, nhưng hầu hết ngành theo chu kỳ bao gồm ngân hàng, BĐS nhà ở, thép, hàng hải và logistics đều vượt trội so với thị trường chung trong nửa đầu năm 2023 nhờ các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, các ngành hưởng lợi từ việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng, như năng lượng và vật liệu xây dựng cũng sẽ chứng kiến lợi nhuận mạnh mẽ.
Dựa trên ma trận định giá tăng trưởng của mình, MSVN cho rằng nhiều ngành vẫn hấp dẫn, đặc biệt đối với các NĐT dài hạn. Trong ngắn hạn, có thể có biến động do hoạt động chốt lời của NĐT cá nhân dựa trên phân tích kỹ thuật và những nghi ngờ chung về triển vọng phục hồi kinh tế và lợi nhuận, nhưng kỳ vọng rủi ro giảm giá là hạn chế (dưới 7%).
Kỳ vọng lợi nhuận của các công ty sẽ tăng đáng kể hơn trong nửa cuối năm 2023, đặc biệt trong quý IV, một phần do cơ sở so sánh thấp của năm ngoái. Điều này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường trong thời gian còn lại của năm.
Bên cạnh khủng hoảng BĐS, nhu cầu quốc tế suy yếu là trở ngại đáng chú ý thứ 2 đối với nền kinh tế ở thời điểm hiện tại. Chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương để chống lạm phát đang gây tổn hại cho nền kinh tế của họ, qua đó tác động đến các nước xuất khẩu như Việt Nam.