Vì sao tiền vào chứng khoán vẫn 'chập chờn'?

(ĐTTCO) - Dù nhận được nhiều thông tin tốt, từ lãi suất cho đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng dòng vốn vào thị trường chứng khoán vẫn “chập chờn”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chưa tự tin giải ngân?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NĐT cá nhân thay đổi “khẩu vị”

TTCK trong tháng 6 chứng kiến sóng tăng khá tốt của VN Index, nhờ các nỗ lực liên tục của cơ quan chức năng trong việc đưa ra các biện pháp tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó gián tiếp kích thích kỳ vọng của NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân.

Đầu tiên là việc hạ lãi suất chính sách lần thứ 4 trong năm 2023, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây. Tiếp đến giảm 2% thuế VAT, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước, và đồng loạt khởi động các dự án đường cao tốc quốc gia là những biện pháp tài khóa đáng chú ý.

Theo đó, các ngành được hưởng lợi bùng nổ là vật liệu, ngân hàng, tiêu dùng không thiết yếu. Sự bùng nổ của các nhóm ngành kể trên giúp VN Index tăng 4,19% trong tháng 6. Đây cũng là tháng có mức tăng trưởng tốt nhất của chỉ số này kể từ đầu năm 2023.

Đáng chú ý, trong đợt tăng này nhóm cổ phiếu (CP) có vốn hoá lớn và vừa ghi nhận mức tăng lần lượt là 5,33% và 5,63%. Ngược lại, đà tăng của nhóm CP nhỏ chậm lại với mức tăng 2,03% so với tháng trước đó.

Việc dòng tiền dịch chuyển sang CP vốn hóa lớn thay vì chuyển vào nhóm CP nhỏ có tính đầu cơ, đã phần nào cho thấy NĐT cá nhân đã có cách nhìn chuyên nghiệp hơn, bớt “ăn thua” hơn khi đầu tư. Còn về lý do NĐT cá nhân chuyển dòng tiền vào CP lớn được cho là đón đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II.

Dòng tiền vẫn đang chờ cơ hội

Đợt tăng điểm của TTCK trong tháng 6 nhờ dòng tiền NĐT cá nhân, đã phần nào cho thấy tâm lý tích cực tiếp tục lan tỏa trên thị trường, đặc biệt là với các NĐT cá nhân. Tuy nhiên, những phiên gần đây, dòng tiền bất ngờ bị “khựng” lại trong sự ngỡ ngàng của cả những NĐT có thâm niên trên TTCK. Câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra lúc này là dòng tiền có rút ra khỏi TTCK hay chỉ tạm thời đứng ngoài chờ cơ hội?

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), môi trường lãi suất thấp vẫn sẽ là trợ lực chính cho thị trường không chỉ trong tháng 7 mà còn trong nửa cuối năm nay. Đây là thời điểm mà các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng tới 1 năm từ thời điểm lãi suất tiền gửi đạt đỉnh hồi cuối năm 2022 sẽ dần đáo hạn và tìm kiếm các kênh đầu tư mới có lợi suất cao hơn như TTCK.

Trên thực tế, diễn biến hạ lãi suất điều hành trong tháng 6 đã kích thích tâm lý giao dịch của thị trường. Giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng 56%, tương đương với mức tháng 8-2022, thời điểm các biến cố lớn và cuộc đua lãi suất huy động chưa xảy ra.

Trong tháng 7, vùng dao động kỳ vọng của VN Index là 1.090-1.170 điểm. Rủi ro giảm của thị trường nhiều khả năng sẽ bị chi phối bởi các yếu tố: diễn biến bất lợi của tỷ giá, Fed tiếp tục nâng mức lãi suất thêm 0,25% và lợi nhuận của một số CP vốn hóa lớn không đạt kỳ vọng.

Cũng theo VDSC, tỷ lệ giao dịch của NĐT cá nhân cũng liên tục tăng, có khả năng cao là các khoản tiền gửi hồi cuối năm 2022 có kỳ hạn đến 6 tháng đã tái đầu tư vào TTCK trong 2-3 tháng gần đây.

Đợt cắt giảm lãi suất lần gần nhất cũng đã đưa mức trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 4,75%/năm, giảm từ mức 6%/năm vào tháng 10-2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm từ 20-50 điểm cơ bản so với tháng trước.

So với tháng 12-2022, mặt bằng chung của mức giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng là hơn 1 điểm phần trăm, cá biệt ở một số ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank (TCB) hay VPBank (VPB) ghi nhận mức giảm hơn 2 điểm phần trăm. Trong giai đoạn nửa cuối năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng sẽ đáo hạn và khả năng cao sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn, trong đó có TTCK.

Dòng tiền chảy vào nhóm ngành nào?

Trở lại với mùa công bố kết quả kinh doanh quý II, theo giới phân tích, bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường vẫn còn tương đối ảm đạm, với mức lợi nhuận của các DN niêm yết dự báo sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng của sàn HoSE có thể đã tạo đáy từ quý IV-2022 và sẽ bắt đầu tăng trở lại kể từ quý II-2023. Theo đó, lợi nhuận của toàn thị trường trong quý này dự báo sẽ được dẫn dắt bởi nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất trên TTCK là ngân hàng.

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), bên cạnh sự phục hồi trên diện rộng của hầu hết các ngành, động lực tăng trưởng có sự đóng góp rất lớn bởi nhóm tài chính, trong đó trụ cột là nhóm CP nhà băng. Mặt bằng lãi suất huy động đang giảm khá nhanh và kỳ vọng sẽ tác động làm giảm dần lãi suất cho vay cùng với đó là nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm, BVSC kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 13% trong năm 2023.

Tương tự, VDSC cũng đưa ra nhận định tích cực về vai trò dẫn dắt thị trường và thu hút dòng tiền của nhóm CP nhà băng. Cụ thể, CTCK này dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng, trụ cột chính của thị trường sẽ đạt mức 10%, so với mức giảm 3% trong quý I nhờ vào sự dẫn dắt của các mã VCB (Vietcombank), MBB (MBBank) và STB (Sacombank). Ngoài nhóm CP ngân hàng, ngành dịch vụ tài chính nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 20% nhờ VHM (Vinhomes) và lợi nhuận cao của nhóm các CTCK nhờ diễn biến thuận lợi của TTCK.

Đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin và dược phẩm vẫn là điểm đến của dòng tiền trong quý II với mức tăng trưởng dự báo đạt từ 20-25%. Cùng ghi nhận kết quả tích cực là ngành dầu khí dự kiến sẽ chuyển từ lỗ của cùng kỳ năm 2022 sang lãi trong kỳ này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dòng tiền nhiều khả năng sẽ rút ra khỏi các DN sản xuất trong ngành nguyên vật liệu (thép, hóa chất, phân bón, cao su), hàng tiêu dùng (dệt may, thủy sản), tiện ích (khí), công nghiệp (cảng biển, xây dựng). Nhóm ngành này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng âm 2 chữ số trong quý này với mức giảm dao động từ 20-70%.

Các tin khác