Cổ phiếu nông nghiệp hết dư địa 'vụt sáng'?

(ĐTTCO) - Sau thời gian trầm lắng, thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngành nông nghiệp bất ngờ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư. Dù hưởng lợi về giá nhưng nhiều doanh nghiệp đang “ngụp lặn” trong khó khăn.
Thị trường gạo xuất khẩu đón nhận nhiều tin tức tích cực đã đem lại niềm vui lớn cho NĐT đang nắm giữ nhóm CP ngành nông nghiệp.
Thị trường gạo xuất khẩu đón nhận nhiều tin tức tích cực đã đem lại niềm vui lớn cho NĐT đang nắm giữ nhóm CP ngành nông nghiệp.

Thiên thời, địa lợi

Ngành nông nghiệp, đặc biệt là DN trồng trọt, bắt đầu có những chuyển biến tích cực trong quý II khi giá xuất khẩu tăng cao. Theo thống kê, doanh thu của các DN trồng trọt quý II tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 lên 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu so với quý I mức tăng trưởng doanh thu lên đến 35%.

Sự hồi phục mạnh được ghi nhận ở nhóm gạo, trái cây và rau củ. Giá trị xuất khẩu cây trồng đạt 6,4 tỷ USD trong quý II, tăng 21% so với cùng kỳ 2022 và 21% so với quý I. Trong đó, tăng trưởng mạnh của rau quả ấn tượng nhất (đạt 88%), gạo (45%).

Theo giới phân tích, doanh thu từ rau củ tăng trưởng mạnh cả về giá và lượng nhờ hàng loạt yếu tố thuận lợi như: nhu cầu cao của Trung Quốc khi mở cửa trở lại - là thị trường xuất khẩu rau củ chính của Việt Nam trước Covid-19; nhiều vùng sầu riêng mới được chứng nhận xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ấn tượng nhất là mặt hàng gạo với nhận định giá gạo tiếp tục ở mức cao trong quý III. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng theo quý và theo năm trong quý III dựa trên các yếu tố thúc đẩy như: Nga rút khỏi thỏa thuận sáng kiến lương thực Biển Đen, El Nino đe dọa kéo giảm sản lượng và Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Giá lúa gạo tăng cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Hiện nhiều DN đang tìm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu - Đông. Điều này có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao.

Các DN chăn nuôi cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi có lãi trong quý II. Tổng hợp 5 DN chăn nuôi niêm yết trong quý II được Công ty Chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam (KIS) thống kê, cho thấy doanh thu quý II đạt 6.400 tỷ đồng, cải thiện 18% so với cùng kỳ 2022 và 32% so với quý I.

Hiện tượng này được KIS giải thích do nhu cầu phục hồi và nguồn cung thấp hơn. Bên cạnh đó là việc biên lợi nhuận gộp tăng 4,2% lên 16,4%, nhờ chi phí cung cấp thức ăn chăn nuôi giảm 20%.

Thiếu yếu tố “nhân hòa”

Dữ liệu được KIS thu thập từ 26 công ty niêm yết trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, doanh thu tăng 19% lên 27.200 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu của các DN trồng trọt tăng 20% và 18% ở các công ty chăn nuôi.

Tuy nhiên, nếu so kỹ con số tăng trưởng sẽ thấy, mặc dù doanh thu tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm 0,6% xuống chỉ 12,1% trong quý II vừa qua. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào như lúa giống cũng đi “song hành” cùng với giá xuất khẩu. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về hiệu quả của từng DN.

Có thể lấy dẫn chứng từ 2 DN đầu ngành đang niêm yết là Tổng công ty Lương thực miền Nam (VSF) và CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG). Theo đó, VSF đạt doanh thu 6.900 tỷ đồng (tăng 57%), LTG đạt 3.700 tỷ đồng (tăng 3,7%). Mặc dù doanh thu tăng trưởng cao nhưng VSF ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của LTG chủ yếu được đóng góp từ khoản lãi của việc mua CTCP Lương thực Lộc Nhân.

Dù vậy, các DN này vẫn may mắn hơn CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR). Dù ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng với 1.615 tỷ đồng (cao gấp 2 lần so với cùng kỳ 2022), nhưng gánh nặng chi phí đã khiến TAR chịu lỗ gần 8 tỷ đồng.

Các DN chăn nuôi cũng trong tình cảnh không quá sáng sủa. Lấy dẫn chứng từ sự phục hồi của ngành chăn nuôi từ CTCP Dabaco (DBC). DN này ghi nhận lợi nhuận đạt 327 tỷ đồng trong quý II, gấp 23 lần lợi nhuận so với quý II-2022, nhưng chủ yếu đến từ mảng bất động sản. Hay như trường hợp CTCP Masan MEATLife (MML) lỗ 125 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay cao và chi phí khuyến mãi liên quan đến công ty con mới hợp nhất Masan Jinju.

Nhiều nghi ngại về tương lai

Dù thực tế không mấy khả quan nhưng giá CP nông nghiệp vẫn ghi nhận được đợt tăng giá mạnh. Đơn cử là VSF ghi nhận hàng chục phiên tăng trần lên hơn 37.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá cao nhất của DN này kể từ khi niêm yết. CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), có liên quan đến “hệ sinh thái” Louis của ông Đỗ Thành Nhân, cũng ghi nhận chuỗi 10 phiên tăng trần, từ ngày 31-7 đến ngày 4-8. Tương tự, mã TAR cũng ghi nhận mức tăng gần 100% tính từ đầu năm 2023.

Tuy nhiên, sau khi tăng nóng, nhóm CP kể trên nhanh chóng “hạ nhiệt” khi NĐT bắt đầu nhận ra những bất ổn tại các DN này. Mới đây, 2 thành viên HĐQT của TAR là bà Lê Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc bất ngờ nộp đơn xin từ nhiệm từ ngày 14-8 với lý do “cơ cấu lại nhân sự công ty”.

Đáng chú ý 2 thành viên này là vợ chồng. Trước đó, giải trình nguyên nhân thua lỗ, HĐQT của TAR cho biết công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.

Nhận định về giá gạo tăng mạnh sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, một chuyên gia cho rằng đây chỉ là tin tốt cho DN có sẵn hàng tại Việt Nam. Theo chuyên gia này, việc giá gạo tăng cao chưa hẳn là tin tốt cho DN xuất khẩu gạo. Bởi nếu DN ký tiếp hợp đồng mới trong khi tồn kho không có, còn giá thị trường nội địa biến động như hiện nay thì rất tiềm ẩn rủi ro.

Trong nhóm ngành nông nghiệp, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Trải qua nhiều biến cố, HAG đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện nhằm mục đích giảm nợ vay, chọn lọc, tinh gọn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. HAG định hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu trở thành DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mới đây, một CTCK công bố báo cáo phân tích HAG với tiêu đề: “Ổn định nhờ chuối, thịnh vượng từ heo”. Dù đánh giá cao về triển vọng, nhưng CTCK này vẫn cảnh báo rủi ro về nợ vay của HAG. Cụ thể, theo bảng cân đối kế toán vào 31-3, HAG đang nợ hơn 8.100 tỷ đồng nợ vay, trong khi đó HAG cũng có khoản cho vay các bên liên quan với giá trị trên 6.700 tỷ đồng. HAG đang có kế hoạch chuyển các khoản vay này thành vốn góp để gia tăng quỹ đất nông nghiệp.

Năm 2022, lãi từ hoạt động cho vay đạt 225 tỷ đồng, do đó nếu hoàn thành việc chuyển nợ thành vốn góp, HAG sẽ mất đi khoản lãi này và chịu áp lực lãi vay lớn.

Các tin khác