Thị giá penny, thanh khoản “nhi đồng”
Cuối năm 2017, đã có lúc NKG vượt ngưỡng 30.000 đồng/CP nhưng hiện nay chỉ còn hơn 8.000 đồng/CP. Hồi đầu năm 2018, vùng giá quen thuộc của TLH còn ở mức 12.000 đồng/CP, nhưng giờ đã giảm xuống dưới mức 6.000 đồng/CP.
Nếu như nửa đầu năm 2018, ngưỡng 1.0 còn được xem có tính hỗ trợ mạnh cho HSG, đến cuối tháng 10, ngưỡng này đã bị xuyên thủng và giá HSG giờ còn chưa đến 8.000 đồng/CP.
Không chỉ giảm mạnh, giá thấp, một số CP còn gặp vấn đề liên quan đến thanh khoản. DTL (Đại Thiên Lộc) hiện là CP thép có thị giá cao nhất với hơn 4.0, cao hơn cả HPG (Hóa Phát) chỉ khoảng 3.6. Nhưng trong 10 phiên giao dịch gần nhất từ 7-11 đến 20-11, có đến 2 phiên DTL không có thanh khoản, còn những phiên DTL được giao dịch khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 1.000 CP/phiên, mức NĐT có muốn mua bán gì cũng đều gặp khó.
Tương tự DTL là trường hợp của POM (Pomina), CP này cũng chỉ quanh quẩn vùng giá 1.0, lâu lâu mới có phiên giao dịch đạt khối lượng tính bằng “chục ngàn” CP, còn lại chỉ vài ngàn, thậm chí vài trăm CP khớp lệnh trong phiên. Xét về khối lượng CP lưu hành, với hơn 242 triệu CP, POM không hề thua kém bất cứ CP nào trên thị trường chứ chưa nói trong ngành thép, nhưng thanh khoản lại là điểm trừ của CP này trong nhiều năm.
Nửa năm trước, khi còn có giá tầm 1.0-1.1, VGS (VG Pipe) đạt KLGD tính bằng trăm ngàn CP mỗi phiên, nhưng khi bắt đầu điều chỉnh đến giờ thanh khoản của CP này giảm hẳn và chỉ còn tính bằng vài chục ngàn CP mỗi phiên.
Sau 2 năm lãi khủng, doanh nghiệp ngành thép đang đứng trước áp lực rất lớn.
KQKD quý III-2018 không thuận lợi của một loạt DN thép là tín hiệu cảnh báo rõ rệt cho một đợt điều chỉnh hoặc tích lũy bắt buộc cho nhóm CP này. Thực tế, CP thép đã duy trì đà tăng trưởng đến khoảng 3 năm là một quãng thời gian rất dài, và sức bật cũng như tầm ảnh hưởng của nhóm CP này cũng chỉ kém đôi chút so với CP ngân hàng.
Do vậy việc điều chỉnh diễn ra là điều tất yếu, nhưng điều quan trọng phải xác định đây là pha “nghỉ ngơi” tạm thời hay bắt đầu cho một đợt suy thoái kéo dài? Năm 2017, ghi nhận hoạt động đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chủng loại sản phẩm của một loạt công ty trong ngành thép, chẳng hạn từ thép xây dựng mở sang ống thép, từ ống thép chuyển qua làm ống nhựa, rồi từ chỗ nhà sản xuất chuyển sang phân phối, bán lẻ.
Khi thị trường dễ dãi đã đầu tư quá lớn?
Lợi nhuận khủng đạt được khi giá thép bắt đầu xu hướng phục hồi từ nửa cuối 2015, đã giúp các doanh nghiệp có thêm vốn để tái đầu tư. Quan trọng hơn cả là những khoản lợi nhuận này cũng đã đẩy giá CP tăng mạnh và là cơ hội để các công ty trong ngành huy động vốn một cách tương đối dễ dàng. Thực tế cơ sở để tham chiếu cũng đơn giản, khi giá thép trên thị trường có xu hướng tăng cộng với dòng tiền đổ vào CP này kỳ vọng sẽ tăng, và sau đó giá CP “chạy”.
Khi thị trường dễ dãi đã đầu tư quá lớn?
Lợi nhuận khủng đạt được khi giá thép bắt đầu xu hướng phục hồi từ nửa cuối 2015, đã giúp các doanh nghiệp có thêm vốn để tái đầu tư. Quan trọng hơn cả là những khoản lợi nhuận này cũng đã đẩy giá CP tăng mạnh và là cơ hội để các công ty trong ngành huy động vốn một cách tương đối dễ dàng. Thực tế cơ sở để tham chiếu cũng đơn giản, khi giá thép trên thị trường có xu hướng tăng cộng với dòng tiền đổ vào CP này kỳ vọng sẽ tăng, và sau đó giá CP “chạy”.
Hoặc cũng có thể lập luận theo kiểu, cứ giá tăng doanh nghiệp nào tồn kho càng nhiều lãi càng lớn. Nhưng sau một giai đoạn đầu tư để mở rộng quy mô, gia tăng công suất, câu chuyện của CP thép trong thời gian tới sẽ không đơn thuần nằm ở giá thép và sản lượng tồn kho nữa.
2 năm lãi lớn 2016 và 2017, chắc chắn sẽ gây áp lực tăng trưởng rất lớn cho các doanh nghiệp ngành này trong năm 2018. Tất nhiên, những thời cơ vàng như 2 năm qua hiếm khi xuất hiện nhưng kỳ vọng vẫn cứ kỳ vọng, NĐT vẫn sẽ nhìn doanh thu, lợi nhuận trong năm 2018 để so sánh với những năm trước.
Song tăng trưởng là một chuyện, áp lực pha loãng sẽ lại càng lớn hơn, và để phát triển nhanh chóng có những doanh nghiệp huy động vốn khủng từ phía các cổ đông để đảm bảo được thu nhập (EPS) hay cổ tức cho cổ đông sẽ là bài toán cực lớn. Do vậy không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp sẽ phải giải bài toán cổ tức ngay trong nửa đầu năm 2019.
Trong trường hợp thị trường gặp thách thức, chia cổ tức bằng CP hay tiền mặt cho cổ đông sẽ phải được nâng lên hạ xuống, bởi lẽ chia bằng tiền mặt dù có khả năng trấn an cổ đông nhưng sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, còn việc chia cổ tức bằng CP để đảm bảo nguồn vốn lại gia tăng áp lực pha loãng về mặt dài hạn.
Việc các doanh nghiệp rơi vào giai đoạn suy thoái và chuyển tiếp không đơn giản bởi lý do ngành, trừ việc có một đợt lao dốc về giá thép như hồi 2008 hay năm 2015, còn lại chính các doanh nghiệp sẽ quyết định số phận của ngành.
Theo đó, với công suất, năng lực sản xuất tăng lên, các doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo được đầu ra, tìm kiếm được khách hàng và đảm bảo lượng tiêu thụ. Lợi thế ít nhiều sẽ thuộc về những doanh nghiệp mở rộng theo từng phần, đi từng bước và cân đối được nguồn vốn có hiệu quả. Ngược lại, với những doanh nghiệp vay nợ và đầu tư quá nhanh, quá nhiều thách thức có lẽ mới chỉ là bước đầu. Bởi lẽ khi cả ngành đều có khả năng “tăng cung” sức ép cạnh tranh sẽ là rất lớn, từ cạnh tranh về giá đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Rõ ràng, đầu tư cho lợi thế cạnh tranh đôi khi vô hình và mang tính chất dài hạn, nhưng áp lực nợ vay, trả lãi tính theo ngắn hạn. CP thép trong thời gian tới đây sẽ diễn ra những sự phân hóa gay gắt và áp lực từ thị trường sẽ chỉ chọn lọc những mặt hàng tốt nhất để dòng tiền đổ vào.
Dẫu biết tăng mạnh cũng có thể giảm sâu, nhưng việc nhiều CP thép hiện có giá dưới 1.0 cũng khiến không ít người chán ngán. Giá dưới 1.0 vì bất kỳ lý do nào cũng có thể khiến CP bị mất giá và ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nghiệp, đó là chưa nói đến những kế hoạch như phát hành CP, huy động vốn cũng sẽ chịu những tác động nghiêm trọng. |