Tăng trong nghi ngờ
Phiên giao dịch ngày 24-12, gần như toàn bộ mã CP trong nhóm NH đều tăng mạnh, trong đó hàng loạt mã tăng trần. Theo thống kê, nhóm CP NH đạt mức tăng trung bình là 3,5% trong phiên giao dịch đầy hứng khởi này.
Đây cũng là nhóm CP đóng góp nhiều nhất, giúp cho VN Index đảo chiều tăng mạnh sau chuỗi giảm điểm trước đó. Đơn cử là VPB (đóng góp 2,26 điểm), VCB (1,98 điểm), TCB (1,46 điểm), SSB (1,07 điểm).
Việc nhóm CP NH bật tăng trở lại khiến cho NĐT không quá bất ngờ, bởi nhóm CP này đã đi ngang và thậm chí nhiều mã còn đi xuống trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, sau phiên giao dịch ngày 24-12, giới phân tích lại khá dè dặt khi đưa ra nhận định về nhóm CP này trong thời gian tới.
Một trong những lý do khiến NĐT không có cái nhìn lạc quan về nhóm CP này là sóng tăng thường rất ngắn. Kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, nhóm CP ngành này thường chỉ khởi sắc trong 1 phiên giao dịch và nhanh chóng điều chỉnh ở ngày kế tiếp. Rất nhiều NĐT đua lệnh CP nhà băng trong các phiên tăng này gánh lỗ khi CP chưa về tài khoản.
Theo thống kê, nhóm CP NH đã điều chỉnh khoảng 20-30% so với đỉnh cũ. Với mức giảm này, nhiều NĐT sử dụng margin (vay ký quỹ) để mua CP NH phải chấp nhận bán cắt lỗ. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân giải thích cho tình trạng nhóm CP NH bị bán ra mạnh ngay sau những phiên tăng nóng như đã nhắc ở trên.
Ngoài yếu tố trên, còn hàng loạt lý do để NĐT vẫn có cái nhìn thận trọng với sóng ngành NH. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 24-12, dù CP tăng mạnh nhưng dòng tiền đổ vào nhóm ngành này vẫn chưa thật sự bật mạnh. Mã CP có thanh khoản tốt nhất là VPB cũng chỉ có giá trị giao dịch đạt khoảng 400 tỷ đồng. So với mức định giá ngành NH các nước trong khu vực châu Á, định giá ngành NH Việt Nam đang ở mức khá cao.
Cụ thể, P/B tại thời điểm này là 2,26 lần, trong khi ở Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia đều dưới 1 lần. Dù mức định giá ngành vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh lịch sử tháng 4-2018 là 3,42 lần, nhưng cũng là yếu tố khiến khối ngoại bán ròng CP NH trong năm 2021.
Trước đó, hiện tượng nhà băng đua nhau tăng vốn với số lượng CP phát hành mới lên tới hàng tỷ đơn vị, dẫn đến tình trạng pha loãng và làm ảnh hưởng đến giá CP. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất cho đến thời điểm này khi nhắc đến CP nhà băng chính là nợ xấu gia tăng do tác động tiêu cực từ Covid-19.
Rủi ro có thật
Rủi ro có thật
Rủi ro nợ xấu gia tăng là nguyên nhân chính khiến cho nhóm CP NH bị “bỏ rơi” trong các sóng tăng của TTCK khoảng 5 tháng trở lại đây. Thực tế, đúng như lo ngại của NĐT, tỷ lệ nợ xấu (NPL) bình quân của các NH đã tăng lên mức 1,64% vào cuối quý III, so với mức 1,49% cuối quý II và 1,54% vào thời điểm cuối năm 2020.
Cụ thể, trong khi tổng dư nợ cho vay của 17 NH niêm yết tăng 1,4% so với quý trước, thì tổng nợ xấu của các NH này lại tăng 15,8% so với quý trước trong quý III. Nợ cơ cấu lại cũng tăng lên ở thời điểm cuối tháng 9 đã làm gia tăng tỷ trọng trong dư nợ vay của các NH.
Tại thời điểm cuối quý III, tổng dư nợ cơ cấu lại của 10 NH bao gồm: VCB, TCB, ACB, MBB, TPB, CTG, BID, VPB, VIB và HDB tăng mức 43.031 tỷ đồng (cuối quý II) lên 82.441 tỷ đồng (chiếm từ 0,7-5% dư nợ vay các NH này).
Chi phí tín dụng bình quân (dự báo cả năm) của 17 NH niêm yết đã tăng lên 1,6% trong 9 tháng, từ mức 1,5% trong 6 tháng hoặc 1,4% trong năm 2020.
Trong kịch bản cơ sở, dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả nợ, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm nhanh kể từ quý IV. Tuy nhiên, các NH có chất lượng tài sản tốt sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập.
Câu chuyện riêng biệt
Câu chuyện riêng biệt
Theo thống kê của CTCK Agribank (Agriseco) trong 5 năm gần nhất, CP nhà băng thường tăng giá dịp cuối năm (khoảng từ 15-12 năm trước đến 15-1 năm sau) với tỷ suất trung bình 10,2%.
Như vậy, yếu tố lịch sử cũng là một trong những lý do để giải thích cho sóng tăng của CP NH. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi đà tăng giá của nhóm NH. Trước hết là tăng trưởng tín dụng kỳ vọng phục hồi trong quý IV và năm 2022 nhờ các hoạt động kinh tế dần lại bình thường.
Bên cạnh đó, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Mặc dù nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các NH tăng trong quý III vừa qua có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai, song các NH đã chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục.
Ở góc nhìn tích cực, nếu bỏ qua yếu tố pha loãng thì hoạt động tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các NH gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Không chỉ để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi mà tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn được siết chặt lại theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Do đó, cuộc đua tăng vốn của các NH sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro. Nếu dòng tiền vào TTCK vẫn đứng ở mức cao như hiện nay thì hoạt động tăng vốn cũng là yếu tố tạo sóng của ngành NH như từng diễn ra trong nửa đầu năm 2021.
Do đó, giá CP của các NH trong năm 2022 có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng. Dư địa tăng còn rất lớn, đặc biệt khi VN Index tiếp tục tiến tới những đỉnh cao mới và vốn hóa ngành này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường.
Kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, nhóm CP NH thường chỉ khởi sắc trong 1 phiên giao dịch và nhanh chóng điều chỉnh ở ngày kế tiếp. Rất nhiều NĐT đua lệnh CP nhà băng trong các phiên tăng này gánh lỗ khi CP chưa về tài khoản. |