Tỷ suất lợi nhuận nằm trong top đầu của ngành
Theo báo cáo tài chính quý III, dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 32,3% nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB vẫn đạt hơn 11.700 tỷ đồng (tăng gần 25%), trong đó NH mẹ đạt gần 11.000 tỷ đồng (tăng hơn 75%).
Với kết quả này, biên lãi ròng (NIM) 9 tháng hợp nhất đạt 8,5%. Riêng NH mẹ ghi nhận con số đầy khả quan ở mức 5,4% so với 4,6% củng kỳ năm 2020.
Theo CTCK MB (MBS), NIM của VPB sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo nhờ duy trì vị thế độc tôn trong mảng cho vay tiêu dùng. Với tỷ trọng cho vay tiêu dùng chiếm trung bình 20% trong tổng danh mục cho vay cùng tỷ lệ cho vay bán lẻ cũng chiếm hơn 46%, lãi suất cho vay trung bình của VPB cao hơn đáng kể so với trung bình ngành, luôn đạt trên mức 14% kể từ năm 2017.
Điều này dẫn tới NIM của VPB luôn dẫn đầu ngành với mức trung bình luôn trên 8,5% so với trung bình ngành khoảng 5%.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ phí bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn thu ngoài lãi, kỳ vọng VPB sẽ đàm phán lại hợp đồng thương vụ bancassurance độc quyền với AIA để thu về khoản phí “trả trước” cao hơn.
Theo MBS, vì chưa có kế hoạch cụ thể nên tạm thời chưa đưa yếu tố này vào mô hình định giá, nhưng kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra trong năm 2022. Nhờ vậy, tỷ suất sinh lời trên tài sàn (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn (ROE) tiếp tục duy trì trên mức 20% và nằm trong nhóm các NH có khả năng sinh lợi cao nhất ngành.
Nguồn vốn cải thiện mạnh mẽ
Cuối tháng 10, VPB công bố hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBC (Nhật Bản) với mức định giá 2,8 tỷ USD. Thương vụ này sẽ đem về cho VPB khoảng 1,4 tỷ USD và dự kiến dòng tiền này sẽ được hạch toán trực tiếp vào vốn chủ sở hữu trong báo cáo hợp nhất quý IV.
Trước đó, VPB đã phát hành CP chia cổ tức và nâng vốn điều lệ với tỷ lệ 10:8, đưa mức vốn điều lệ hiện tại của VPB lên hơn 45.000 tỷ đồng. Như vậy, với nguồn vốn từ việc bán FE Credit, vốn chủ sở hữu của VPB vào thời điểm cuối năm sẽ đạt trên 96.000 tỷ đồng và đưa hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II lên hơn 17%, dẫn đầu ngành NH.
Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc được gia tăng hạn mức hoạt động, trong đó có hạn mức tín dụng từ NHNN, giúp VPB có được tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Đồng thời, nguồn vốn mới cũng sẽ giúp VPB có cơ sở mở rộng hoạt động sang các mảng khác như quản lý tài sản, NH đầu tư để chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19.
Định giá mục tiêu cao hơn 40% so với thị giá
Từ những số liệu phân tích trên, MBS định giá VPB với mức giá mục tiêu 53.800 đồng/CP (cao hơn 40% so với thị giá hiện tại) dựa trên 2 phương pháp: thu nhập thặng dư (RI) và định giá tương đối (so sánh P/B và P/E) với các NH niêm yết khác dựa trên một số dự phóng và giả định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 16,6%, với giả định NHNN sẽ tiếp tục nâng room tín dụng cho VPB trong quý cuối năm; tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong năm dự phóng đạt 12,7%, trong đó tỷ lệ CASA đạt mức 20,2%.
Yếu tố kế tiếp là lãi suất cho vay được dự báo ở mức 15% cho cả năm 2021, chi phí vốn vẫn duy trì ở mức thấp 4,52% giúp NIM được cải thiện lên mức 9,11%, dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) dự kiến trên 100%.
NH đang tích cực xử lý nợ xấu do vậy tỷ lệ nợ xấu trong năm 2021 dự báo đạt 3,3%. Tỷ lệ trích lập dự phòng/nợ vay tăng lên mức 5,8% so với mức 5,4% trong năm 2020 giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 18.345 tỷ đồng (tăng 25,5%)
Tổng thu nhập hoạt động dự kiến đạt 46.561 tỷ đồng (tăng 19,3%), lợi nhuận trước thuế đạt 17.274 tỷ đồng (tăng 32,7%). Với dự báo này, lợi nhuận trên cổ phần (EPS) dự phóng năm 2021 của VPB đạt 2.992 đồng/CP.