Cơ quan quản lý cần 'mạnh tay' với vi phạm quản lý nhà chung cư

(ĐTTCO) - Tranh chấp chung cư diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều mức độ khác nhau, xoay quanh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý và cư dân.
Một góc chung cư Ruby Land, quận Tân Phú, TPHCM

Một góc chung cư Ruby Land, quận Tân Phú, TPHCM

Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc, thanh tra, kiểm tra kịp thời của cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn tại địa bàn khu dân cư.

Cư dân bức xúc

Theo các cư dân sinh sống tại chung cư Miếu Nổi (phường 3, quận Bình Thạnh), năm 1998 họ mua căn hộ tại dự án do Công ty Đầu tư và phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Từ năm 2000-2010, chung cư Miếu Nổi không có quỹ bảo trì 2%, toàn bộ việc quản lý, vận hành do CĐT thực hiện.

Đến năm 2017, UBND quận Bình Thạnh có quyết định về việc công nhận kết quả bầu bổ sung ban quản trị (BQT) chung cư Miếu Nổi, từ đó tại chung cư xảy ra nhiều tranh chấp, sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống cư dân.

Năm 2018, UBND quận Bình Thạnh đã có văn bản đề nghị BQT chung cư Miếu Nổi tổ chức hội nghị nhà chung cư, quyết định lựa chọn đơn vị khác có đủ điều kiện về chức năng, năng lực theo quy định vào quý 1-2019. Tuy vậy, đến nay, chung cư vẫn chưa có đơn vị quản lý vận hành; tất cả công tác này đều do BQT thực hiện, dẫn đến nhiều khuất tất trong quản lý, vận hành, thu chi tài chính.

Cụ thể, gần đây, BQT đã tăng số tiền đi thang máy từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng/người/tháng với mục đích duy trì bảo dưỡng thang máy (theo Sở Xây dựng TPHCM, việc này không đúng theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng).

Tại chung cư Ruby Land (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) cũng xảy ra một số tình huống tương tự. Cách đây khoảng 7 năm, BQT chung cư ký hợp đồng với một ban quản lý (BQL), trực thuộc Công ty CP Quản lý nhà toàn cầu Global Home. Sau một thời gian hoạt động ổn định, công tác quản lý, vận hành “tụt dốc” dần. Thang máy hư nhưng BQL không có động thái xử lý nên bị “đứng hình” cả tháng qua.

Ông P.V.T, một cư dân chung cư, cho hay, trong một thời gian dài, hầm và sân của chung cư bị BQL biến thành “của riêng”. Một số cư dân có ô tô nếu tối về muộn là không có chỗ đậu xe dưới hầm. Thay vào đó, BQL cho phép giữ ô tô của người ngoài, chiếm hết chỗ để xe của cư dân. Một số hộ dân quan sát thấy việc quản lý dịch vụ của BQL kiểu “được chăng, hay chớ”, rất bất bình nên không đóng phí quản lý chung cư, đã bị BQL cắt nước nhiều ngày.

Cắt nước là trái quy định

Bức xúc trước những khuất tất của BQT chung cư Miếu Nổi trong quản lý dịch vụ chung cư, các cư dân vừa gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng Trung ương và TPHCM. Hiện Công an quận Bình Thạnh đang vào cuộc điều tra xác minh những nội dung cư dân tố cáo. Chúng tôi cũng liên hệ UBND phường Tân Thới Hòa (quận Tân Phú) để xác minh những việc “lùm xùm” tại chung cư Ruby Land. Cán bộ tư pháp ở đây cho biết, các đồng chí lãnh đạo UBND phường đang đi công tác nên chưa trả lời được!

Về câu chuyện ở chung cư Ruby Land, ông Trương Hải Nam, Trưởng BQT, thông tin, BQL chung cư đã làm việc khoảng 7 năm. Qua một thời gian, BQL cho biết chi phí vận hành chung cư không đủ, dẫn đến bị lỗ. Khi bị lỗ nhiều, BQL cắt dịch vụ, dẫn đến chung cư chịu cảnh mất vệ sinh, việc giữ xe rất lộn xộn.

Cho rằng dịch vụ quản lý quá tệ, một vài cư dân không đóng phí dịch vụ nữa (700.000-800.000 đồng/hộ gia đình). Vì đến thời hạn kết thúc hợp đồng quản lý, vận hành chung cư (vào ngày 30-6), BQL phải dùng biện pháp mạnh là cắt nước để thu phí quản lý mà một số cư dân nợ.

Đứng trước chuyện này, BQT thấy rằng, dù gì thì cư dân cũng phải đóng phí quản lý, BQT không thể khuyên cư dân không nên đóng khoản phí này. Với trách nhiệm của mình, BQT cũng đã nhắc nhở, đôn đốc BQL thể hiện tinh thần trách nhiệm, quản lý dịch vụ tại chung cư tốt hơn. Từ ngày 1-7, BQT chung cư ký hợp đồng với một đơn vị quản lý mới, mục đích là để quản lý dịch vụ chung cư được tốt hơn, đem lại sự an tâm cho cư dân.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM), căn cứ Luật Nhà ở năm 2014 và Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư, việc thu phí quản lý vận hành nhà chung cư sẽ do đơn vị quản lý, vận hành thực hiện. Căn cứ theo các quy định của Thông tư 02/2016/TT-BXD, đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư không có quyền và trách nhiệm trong việc cung cấp cũng như thu phí điện, nước phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu căn hộ.

Việc cung cấp, thu phí hay ngưng cung cấp điện, nước thuộc thẩm quyền của bên cung cấp các dịch vụ này. Do đó, BQL tự ý ngưng cung cấp nước khi chủ sở hữu căn hộ và BQL có tranh chấp về phí quản lý là không đúng thẩm quyền, trái quy định.

Văn phòng UBND TPHCM vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TPHCM. Theo đó, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cần có giải pháp tăng cường, chủ động kiểm tra, xử lý đối với các khiếu nại, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn quản lý…

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, địa phương chủ động phối hợp, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan; không để xảy ra tình trạng người dân tập trung khiếu nại đông người, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Các tin khác