Thủ tướng Võ Văn Kiệt được gọi là “Thủ tướng điện”, vì đã kiên quyết thực hiện thủy điện Trị An và đường tải điện 500kV lịch sử, vượt qua rất nhiều tranh cãi và ý kiến phản đối gay gắt. Khi người thực hiện dự án này là Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải bị kết án tù vì những sai sót trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng đã vào nhà tù thăm hỏi, gắn kỷ niệm chương đường dây 500kV, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cá nhân của mình đối với dự án này.
Rồi thực tế xác nhận sự đúng đắn và cần thiết của dự án chuyển tải điện này, đã phát huy hiệu quả trong thực tế chuyển tải điện thông suốt giữa Bắc và Nam. Sự quan tâm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ thể hiện tấm lòng nhân ái, còn khẳng định chủ trương nhất quán của ông trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như thúc đẩy xây dựng cảng Dung Quất và khu công nghiệp hóa dầu...
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến với công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB Trẻ |
Lãnh đạo đất nước Việt Nam chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình hết sức khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát tăng cao, nông dân và doanh nghiệp thiếu động lực sản xuất, Việt Nam phải nhập khẩu bo bo về cho dân ăn để chống đói, ông Võ Văn Kiệt đã lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nhân và các chuyên gia để tìm giải pháp sáng tạo.
Ngay khi lãnh nhận cương vị Thủ tướng năm 1991, ông Võ Văn Kiệt đã thành lập Tổ Chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế bao gồm những chuyên gia của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 như TS. Nguyễn Xuân Oánh, LS. Trương Thị Hòa ở TPHCM cùng với những chuyên gia kinh tế ở miền Bắc, và 3 TS. kinh tế Việt Nam đang làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Đức, để tham khảo ý kiến, điều chưa có tiền lệ trong các Chính phủ tiền nhiệm.
Quyết định này cũng thể hiện tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, huy động trí tuệ từ các nguồn khác nhau vì lợi ích chung của dân tộc. Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, của người dân, của chuyên gia, nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt đã cương quyết “cởi trói” cho doanh nghiệp từ việc xóa bỏ các rào cản “ngăn sông cấm chợ” đến việc kết nối kinh doanh với “thị trường tư bản chủ nghĩa”, tự do hóa xuất - nhập khẩu, xóa bỏ độc quyền nhà nước về xuất - nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ với thị trường tư bản chủ nghĩa.
Không chỉ kinh tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người có tầm nhìn xa và có nhiều đóng góp cho ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ở ngoại giao, nổi bật nhất ở Thủ tướng Võ Văn Kiệt đó là thể hiện sự chân thành. Vì chỉ có sự chân thành mới có thể dành được tình cảm tốt đẹp của bạn bè, đối tác. Với tầm nhìn chiến lược ông đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thuyết phục lãnh đạo các nước trong khu vực ủng hộ chính sách này. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kết hợp chặt chẽ giữa cải cách trong nước và hội nhập quốc tế, ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chấp nhận việc ký kết với Liên minh châu Âu với những điều kiện cải cách kinh tế trong nước ta.
Biết rất rõ lập trường của nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu về quan hệ Việt Nam - Campuchia trong giai đoạn trước đây, trên cương vị Thủ tướng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trao đổi ý kiến về các chính sách kinh tế và hội nhập quốc tế và mời ông Lý Quang Diệu sang Việt Nam để trao đổi và tham khảo ý kiến. Sự chân thành của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thuyết phục ông Lý Quang Diệu ủng hộ Việt Nam tham gia ASEAN và hội nhập quốc tế, xây dựng một cộng đồng kinh tế hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển, tạo ra một vị thế mới, thuận lợi cho phát triển đất nước.
Bức thư ngày 9-8-1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị là một đóng góp tầm chiến lược cho quá trình hình thành những quyết sách quan trọng nhất của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (giữa năm 1996). Ngày nay, nhìn lại có thể thấy thực tế cuộc sống đã xác nhận những nhận định và quan điểm được trình bày trong bức thư đó như xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát các hoạt động trên thị trường... là đúng đắn và sáng suốt, được thực tế xác nhận.
Ngay cả khi đã nghỉ công tác, ông Võ Văn Kiệt vẫn tâm huyết viết hàng trăm bức thư gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập đến các vấn đề kinh tế - xã hội nóng được dư luận quan tâm, đóng góp tâm huyết vào công cuộc phát triển của đất nước. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng là nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục thực hiện những hoài bão mà ông đã chỉ ra cho chúng ta, đó là phát triển kinh tế, để đất nước giàu mạnh, phồn vinh.