Có tin vào lời “hứa” của lãnh đạo doanh nghiệp?

(ĐTTCO) - Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của DIC Corp (DIG) tổ chức hơn 1 tháng trước, những vấn đề liên quan đến thị giá, cung-cầu của cổ phiếu (CP) được bàn luận khá nhiều.
Có tin vào lời “hứa” của lãnh đạo doanh nghiệp?
 Hiểu một cách đơn giản, biến động giá CP sẽ ảnh hưởng đến biến động tài sản của cổ đông, nên việc thảo luận cũng là phương cách để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Ngoài những ý kiến ủng hộ đại hội của DIG sâu sát, cũng có những câu hỏi đặt ra về sự phù hợp trong các giải pháp, vì mục đích tốt phải đến từ phương pháp đúng.  
Đơn cử, lãnh đạo của DIG kể về việc Him Lam (cổ đông lớn của DIG) xin lỗi và cam kết tạm dừng, không bán nữa… Nghe thì sống động nhưng liệu có phù hợp hay không? Thử bàn về vấn đề “cam kết” theo lời kể ở trên thì đối tượng cam kết với ai: cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp (DN) DIG, với DIG hay với cổ đông của DIG. Tính ràng buộc của cam kết này như thế nào, nếu cam kết mà không thực hiện, hệ quả ra sao? Và liệu có đúng từ ngữ là “cam kết” hay chỉ là thỏa thuận hoặc… hứa miệng. 
Có thể nhìn nhận câu chuyện này là rủi ro về cân xứng lợi ích cũng như thông tin. Việc cổ đông lớn bán ra như thế nào đã có các quy định của cơ quan quản lý, cứ như thế tiến hành, nay còn thêm cả việc trao đổi với lãnh đạo DN, và có những ai nắm được vấn đề này, những ai không nắm… Nếu bán ra phù hợp với các quy định hiện hành  tại sao phải xin lỗi và xin lỗi ai?
Một nhà đầu tư (NĐT) đã nói thẳng: Hàm lượng thông tin về giá CP tại ĐHCĐ của DIG quá dày, trong khi còn nhiều chuyện hệ trọng khác cần phải bàn bạc như chiến lược, định hướng kinh doanh. Trong trường hợp nếu DN chỉ tập trung vào giá CP cần xem lại nhiệt huyết thật sự, hay những chiến lược quản trị đã đúng đắn, phù hợp chưa? Nếu DN thật sự hấp dẫn chỉ nằm ở biến động giá CP chưa hẳn lãnh đạo DN đã thành công. 
Tuần rồi, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu của VinaCapital, đã đưa ra những đề xuất rất đáng chú ý: Ở nước ngoài, HĐQT hay ban điều hành DN không được phép nói CP đang rẻ, đầu tư với chúng tôi chắc chắn sẽ nhân đôi nhân ba tài khoản. Vì vậy cần có những quy định không cho lãnh đạo DN bình luận, hô hào giá CP. 
Đề xuất này là xác đáng, bởi lẽ lãnh đạo DN nếu sở hữu CP xem như đóng “hai vai”. Nghĩa là đã hiện hữu những rủi ro về xung đột lợi ích và cần có những giải pháp kiểm soát phù hợp. Dưới góc độ NĐT, cần tỉnh táo nhìn nhận những phát ngôn đao to búa lớn về giá CP có tính ràng buộc rất thấp, nếu không muốn nói là vô giá trị.
Những người làm trong ngành đầu tư không lạ gì chuyện một số lãnh đạo DN khi mời chào quỹ góp vốn, thường thòng vào cam kết nếu làm ăn không hiệu quả sẽ mua lại phần CP đã chào bán ra. Ở đây nếu DN không làm ăn hiệu quả cũng chưa chắc lãnh đạo DN đã thực thi, chỉ cần tìm lý do nào đó để thoái thác, mà nhanh nhất và dễ nhất là… hết tiền để mua. 
Vì vậy, những tuyên bố liên quan đến việc mua vào bán ra cũng như đáy của TTCK, chỉ được xác nhận sau khi đã xảy ra và chớ vội tin. Về dài hạn, nếu nói mà không làm, hoặc làm khác hẳn như đã tuyên bố, sẽ khiến DN hoặc lãnh đạo DN phải chịu điều tiếng, và tất nhiên uy tín, cơ hội huy động vốn về sau cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. 
Điều quan trọng hơn cả, nếu cổ đông hay NĐT có nghe câu chuyện về việc cổ đông lớn hay DN bàn nhau để giữ giá CP không giảm, có thể tích cực ở một góc độ nào đó, nhưng NĐT cũng nên đặt câu hỏi về tính phù hợp, khi có thể xem đây là việc bắt tay nhau tác động đến giá CP.
Lãnh đạo DN nếu muốn CP của mình có những biến động lành mạnh hãy luôn minh bạch thông tin, công bố chiến lược sản xuất kinh doanh thường xuyên và thể hiện hoạt động hiệu quả. Sẽ hiếm có chuyện DN công khai minh bạch, đàng hoàng chững chạc mà giá CP lại biến động bất thường. Mà nếu đã như vậy, DN cũng không phải chịu áp lực nào của cổ đông đến nỗi vò đầu bứt tóc đi cứu giá CP. 

Các tin khác