Các quỹ đầu tư tại hội thảo thường niên về vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á cuối tuần qua cho rằng, Việt Nam là thị trường còn không gian rất rộng để bỏ vốn, tuy nhiên việc phát triển kinh tế lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên mà chưa tạo ra các khung tăng trưởng dài hạn, làm các nhà cấp vốn tư nhân e ngại nhiều rủi ro.
Phát triển kinh tế nước ta lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên. |
Điều hành phiên toạ đàm về cơ hội đầu tư vào ngành nông nghiệp, Andy Ho, giám đốc quỹ VinaCapital - nơi đang quản lý nguồn quỹ tư nhân 500 triệu USD - cho rằng thực tế nhiều quỹ thoái vốn tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao. Ông đưa ra hai điển hình thành công của quỹ mình là việc thoái vốn tại Halico cho tập đoàn đồ uống Anh Diageo đã cho họ tỷ suất lợi nhuận 20%, một thương vụ khác tại bệnh viện Hoàn Mỹ với tập đoàn y tế Fortis của Ấn Độ đang hoàn tất. VinaCapital đã dành nguồn đầu tư vào nông nghiệp như nuôi trồng và kinh doanh yến sào, sản xuất phân bón, mía đường…
Những cơ hội
Lợi thế lớn nhất của Việt Nam, theo các quỹ đầu tư là sở hữu một nền nông nghiệp mạnh với bờ biển dài hàng ngàn cây số. Lợi thế này giúp các nhà rót vốn có thể tạo ra các dịch vụ tăng trưởng phái sinh và sinh lợi cao. Theo kinh nghiệm của những quỹ đã trải qua hàng chục năm ở các thị trường mới nổi thì Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp. Đây là ngành mang lại lợi nhuận ổn định cho các quỹ từ 15 – 30%.
Prakash Jhanwar, giám đốc khu vực của quỹ đầu tư Olam Vietnam, quỹ quản lý chuỗi cung ứng nông nghiệp lớn nhất khu vực ASEAN đang hoạt động đầu tư với 12 tỷ USD, cho rằng Việt Nam đang là nước sản xuất nông nghiệp có chi phí rẻ từ lúa gạo, càphê cho đến cao su, hạt tiêu… “Đó là cơ hội nhưng không dễ gặt hái vì đầu tư cho nông nghiệp ngày nay nằm ở chuỗi cung ứng khép kín và năng lực sản xuất chế biến mới có thể mang lại lợi nhuận mà đây là điểm khó ở Việt Nam”.
Quỹ Swiss Re cho biết 3/4 nguồn vốn họ đang tập trung vào châu Á và họ quan tâm tới năng lượng tái tạo, năng lượng sóng và công nghệ biển là các hứa hẹn tại Việt Nam. Trong khi đó Gavin Smith, giám đốc quỹ phát triển sạch Mekong, cho biết Việt Nam là nơi khát nguồn năng lượng thay thế cho xăng dầu nhưng lại chưa hình thành một thị trường năng lượng.
Đến năm 2012, thị trường trao đổi khí thải carbon sẽ có tiềm năng nhiều hơn nếu đầu tư vào điện gió sẽ có thể thu được những thu thêm nguồn ngoài điện nhờ cơ chế thu carbon hay cơ chế phát triển sạch. “Việc đầu tư vào đây khá rủi ro trong ngắn hạn nhưng về lâu dài là khả quan” - Gavin Smith nhận định.
Nhiều lo ngại về bong bóng bất động sản và tài chính ở Việt Nam, nhưng các quỹ lại cho rằng khi thị trường đến ngưỡng khó khăn đó là cơ hội mới. Các quỹ cũng nhận định dịch vụ tài chính là mảng thị trường rất tiềm năng để khai thác. Việc mất cân đối giữa các dịch vụ ngân hàng với nhu cầu thị trường khiến đa số doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng nhỏ, hộ gia đình rất chật vật trong tiếp cận tín dụng, trong khi ngân hàng chưa có cơ chế khuyến khích khu vực này.
Không dễ ăn
Theo ông John Cook, chủ tịch quỹ Rock Lake Associates: “Có những quỹ đã đến Việt Nam 30 lần để bỏ công sức và nỗ lực tìm hiểu thị trường nhưng vẫn chưa quyết định được khoản đầu tư dù họ biết rõ lợi thế của Việt Nam”, ông đặt vấn đề.
Trong khi đó, Peter Martisek, đại diện quỹ Swiss Re đang quản lý nguồn vốn 7,5 tỉ USD, cho biết họ đã tìm đến ASEAN nhiều năm trước nhưng nhận thấy tại Việt Nam chưa có các nhà quản lý quỹ đáp ứng được yêu cầu, cơ chế quản trị doanh nghiệp trong nước cũng chưa đạt chuẩn mực của các tổ chức đầu tư lớn.
Nếu rót vốn vào thị trường mới cần tối thiểu 3 năm và theo lý thuyết lợi nhuận 15-20% là hợp lý, nhưng với tỷ lệ lạm phát và đồng tiền biến động như Việt Nam cần có mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn để bù đắp rủi ro. Điều này là e ngại lớn trong khi họ cũng chưa nhìn thấy nhiều nhà đầu tư tư nhân thành công ở đây.
Theo ông Frank T.L Pho, Phó giám đốc Quỹ Đầu tư châu Á thuộc ngân hàng Phát triển Canada, Việt Nam là nơi có mức lạm phát cao vì thế cần nhà quản lý quỹ trung gian có năng lực thị trường cùng với các giải pháp dự phòng rủi ro. Dù vậy các quỹ tư nhân cho biết vẫn đang xem thị trường mới nổi như Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn dù kinh tế khó khăn, bởi khung tăng trưởng tại đây còn rất lớn.
Dự báo trong vòng hai năm tới những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giảm bớt, lúc đó là thời điểm thuận lợi của các quỹ tư nhân bứt phá.