"Cỗ xe tam mã" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm
Theo Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu tiếp tục là "cỗ xe tam mã" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Trong 3 động lực đó, cầu có ý nghĩa quan trọng nên Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu, kích cầu tăng trưởng.
Vấn đề thứ hai là tăng cường đầu tư công. Chính phủ tập trung toàn bộ sức lực, sử dụng hệ thống chính trị đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp. Động lực tăng trưởng thứ ba là vấn đề xuất khẩu.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã đạt được kết quả khá tích cực, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm ước đạt gần 38% kế hoạch được giao, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 31/7, các Bộ, ngành, địa phương đã đề xuất điều chỉnh giảm hơn 7.100 tỷ đồng vốn ngân sách, tương đương 1% tổng số vốn đầu tư công. Dù tỉ lệ nhỏ, nhưng đây là hiện tượng cần cảnh báo.
Theo các chuyên gia, cần xem xét nguyên nhân, quy trình, từ thẩm định, lập dự án, kế hoạch, phân bổ vốn... xem liệu đã khả thi chưa. Nguyên nhân gây vướng mắc trong thực hiện ở đâu,từ Trung ương, hay địa phương, dự án. Việc xử lý phải làm sao để tránh tạo tiền lệ và phần việc sau đó là điều hòa số vốn này như thế nào.
Trước vấn đề trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã có công điện nhằm khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Theo đó, yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, quý và tuân thủ nghiêm, xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, phân bổ lại hay điều chuyển nguồn vốn từ những dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công; cho phép thanh toán trước, kiểm soát sau là "liều thuốc" tốt để thúc đẩy tiến độ đầu tư công.
Khu vực công thì có vốn đầu tư công. Còn đối với khu vực ngoài nhà nước, nguồn vốn tín dụng cũng như các nguồn tài chính hợp tác khác chính là nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế vận hành.
Thúc đẩy tín dụng bất động sản
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết đầu tư bất động sản đòi hỏi vốn lớn nhưng vốn vay hiện trông chờ vào ngân hàng là chủ yếu. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng rất lo nợ xấu nên quy định các điều kiện vay chặt chẽ.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết doanh nghiệp hiện nay không còn lo lãi suất vay cao mà chuyển sang lo không tiếp cận được vốn. Doanh nghiệp mong Ngân hàng Nhà nước cầu thị theo tinh thần Thủ tướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào bất động sản thì sửa ngay Thông tư 06 trước khi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9.
Trong bối cảnh này, chuyên gia kinh tế cho rằng những yêu cầu về tài sản thế chấp có thể cần có sự linh hoạt hơn.
Đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại lớn nên có một cách nhìn khác. Cụ thể là nên chú trọng vào hiệu quả hiệu quả dự án, khả năng phát triển của dự án và của doanh nghiệp để cấp vốn, thay vì quá chú trọng vào tài sản thế chấp.
Theo tờ Đầu tư, trong bối cảnh thị trường gặp khó, vốn ngoại được kỳ vọng sẽ trở thành "lối thoát hiểm", giúp doanh nghiệp địa ốc hồi phục. Các kết quả thăm dò chỉ ra, số lượng nhà đầu tư ngoại quan tâm tới dự án tại Việt Nam đang tăng mạnh. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý phức tạp là nguyên nhân chính dẫn đến các thương vụ mua bán sáp nhập diễn ra còn chậm.
Đầu tư nước ngoài bứt phá
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 7/2023 đã đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước. Còn tổng vốn FDI trong 7 đạt hơn 16,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Theo tờ Hà Nội Mới, nỗ lực đáng kể nhất là Việt Nam luôn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thế mạnh ổn định về chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đang rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, khoảng 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới.
Nhiều tổ chức quốc tế mới đây cũng đã có báo cáo dự báo tình hình phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam. Các dự báo dù có điều chỉnh giảm đi, nhưng trong so sánh với các nền kinh tế khác thì triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam vẫn tích cực, vẫn được kỳ vọng là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh.