Con học online, mua máy tính, hết dịch mới giao hàng thì online sao đây?

(ĐTTCO)-Dù chỉ còn vài ngày nữa, học sinh trung học ở TP.HCM sẽ chính thức vào chương trình năm học mới bằng hình thức học tập trên Internet. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cho biết không có máy móc và mạng 4G cho con em.
Không có thiết bị, học sinh không thể lên lớp học trực tuyến - Ảnh: NG.HÙNG
Không có thiết bị, học sinh không thể lên lớp học trực tuyến - Ảnh: NG.HÙNG

Để có thể học trực tuyến, mỗi học sinh cần phải có máy tính (máy để bàn, laptop, máy tính bảng), webcam (tích hợp sẵn trên máy tính hoặc thiết bị chuyên dụng) và đường truyền Internet, thậm chí cần phải có thêm một chiếc điện thoại để giáo viên liên lạc khi không thể "gọi" được học sinh trong lớp học trực tuyến.

Không có máy sao học trực tuyến?

Nhiều phụ huynh tại TP.HCM đang chạy đôn chạy đáo để lo trang thiết bị cho con mình học trực tuyến. Bà Lê Thị Kim Yến - phụ huynh ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức - cho biết đã liên hệ 3 cửa hàng bán máy tính ở TP.HCM nhưng đều nhận được trả lời sau khi dịch bệnh được kiểm soát mới có thể giao hàng. "Trong khi đó, ngày 6-9 các con đã học trực tuyến rồi, máy đâu mà học bây giờ?" - bà Yến băn khoăn.

Nhà có điện thoại thông minh nhưng chị Nguyễn Thị Thu Huệ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) cho biết nhà không có Internet nên con cũng không thể học online. "Vợ chồng tôi đều thất nghiệp, nghỉ ở nhà mấy tháng nay. Cả gia đình phải nhận trợ cấp tiền và thực phẩm của UBND phường để cầm cự qua mùa giãn cách. Cái ăn hằng ngày đang là nỗi lo chính, tôi không có điều kiện mua máy tính cho con học online" - chị Thu (Gò Vấp), phụ huynh của 2 bé (một lớp 7 và một lớp 3), cho biết.

Dù nhà có một máy vi tính nhưng bà Nguyễn Ánh Hồng, phụ huynh của 3 học sinh ở quận 10, cho biết cả 2 vợ chồng đều làm việc từ xa, đều có nhu cầu sử dụng máy tính nên không thể đưa máy tính cho các con học online. "Giá máy tính và thiết bị hỗ trợ tăng 1,5 - 2 lần, trong khi yêu cầu phải chuyển tiền trước, khi nào hết giãn cách mới giao hàng! Như vậy, dù có tiền cũng không thể mua được máy tính cho con học" - bà Hồng cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang thiết bị tối thiểu cho một học sinh học trực tuyến là một chiếc máy tính (giá từ 5 triệu đồng) và đường truyền Internet (khoảng 100.000 đồng/tháng), chưa kể những thiết bị phát sinh hoặc cần bổ sung trong quá trình học tập của học sinh như: chuột, tai nghe, webcam...

"Những thiết bị này hầu như chỉ đủ đáp ứng việc truy cập mạng Internet và "điểm danh vào lớp học trực tuyến" chứ khó có thể phục vụ việc học trôi chảy cho học sinh. Đó là chưa kể những rắc rối, hỏng hóc xảy ra trong quá trình sử dụng phần mềm và các thiết bị, rồi đường truyền bị nghẽn do có quá nhiều người cùng làm việc, học tập online tại nhà" - anh Hải (quận 1) chia sẻ.

Hàng chục ngàn học sinh không có điều kiện học online

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, bậc tiểu học có hơn 57.000 học sinh/tổng số hơn 600.000 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet. Với bậc trung học, trong tổng số gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, có hơn 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học online; hơn 5.000 học sinh có máy tính hoặc smartphone nhưng lại không có Internet.

Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách...

Trong khi đó ngày 2-9, ông Nguyễn Minh Luân - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau - cho biết để hỗ trợ các em học sinh trên địa bàn, nhất là học sinh vùng nông thôn trong việc học trực tuyến, sở vừa vận động doanh nghiệp hỗ trợ 500 điện thoại thông minh trị giá 950 triệu đồng.

"Điện thoại có kết nối sẵn mạng nên các em nhận về là học trực tuyến được. Bên cạnh đó, sở cũng vận động được 2.500 bộ sách giáo khoa hỗ trợ cho các em học sinh, giúp các em yên tâm học" - ông Luân thông tin. 

Tuy nhiên, theo ông Luân, số lượng điện thoại thông minh kể trên không thấm vào đâu so với con số hơn 10.000 học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, sở có công văn gửi các phòng, đơn vị trường học tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp tiếp sức, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh...

Các tin khác