Con trai Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị phạt 36 tháng tù

(ĐTTCO) - Sau hơn 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 27-3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án cấp sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Tân Hoàng Minh. 

Theo đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh, 8 năm tù về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản". Cùng tội danh, con trai bị cáo Dũng là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, bị phạt 36 tháng tù.

Tòa tuyên bị cáo Đỗ Anh Dũng lĩnh án 8 năm tù

Trong khi đó, 2 Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán Tân Hoàng Minh gồm Phùng Thế Tính và Hoàng Quyết Chiến cùng lĩnh án 30 tháng tù về tội danh nêu trên.

Trong vụ án, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị xác định giữ vai trò chính. Các bị cáo khác lĩnh án từ 18 tháng tù cho hưởng án treo 30 tháng tù.

Theo bản án, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thông qua Đỗ Hoàng Việt và cấp dưới để chỉ đạo xuyên suốt hoạt động lừa đảo dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Vai trò của bị cáo Dũng thể hiện từ khâu hợp thức, điều kiện, thủ tục, phương án đến thẩm định giá để xác định giá tài sản đảm bảo.

Các bị cáo trong vụ án

Tiếp đó, bị cáo Dũng chỉ đạo phát hành các gói trái phiếu, lập hợp đồng giả cách mua lại trái phiếu bằng dòng tiền khống. Từ đó tạo lập giá trị ảo cho các gói trái phiếu và trái chủ để Tân Hoàng Minh bán rộng rãi ra công chúng nhằm huy động vốn. Khi lấy tiền của nhà đầu tư, bị cáo Dũng sử dụng tiền không đúng mục đích, qua đó chiếm đoạt của hơn 6.600 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng.

"Trong vụ án, bị cáo Dũng có vai trò cao nhất, cần áp dụng hình phạt ở mức cao hơn các bị cáo khác", chủ tọa công bố.

Đối với bị cáo Đỗ Hoàng Việt, cấp sơ thẩm kết luận bị cáo tuân theo sự chỉ đạo của bị cáo Dũng, yêu cầu cấp dưới thực hiện hành vi lừa đảo dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đến khi lấy được tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng, Việt cùng bị cáo Dũng sử dụng số tiền không đúng mục đích, không đúng phương án phát hành trái phiếu. Vì vậy, bị cáo Việt là người giúp sức tích cực, có vai trò sau bị cáo Dũng và phải chịu mức án cao hơn các bị cáo đồng phạm giúp sức khác.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận thấy trong quá trình điều tra, bị cáo Việt là người có thái độ tích cực hợp tác để khai nhận tất cả các hành vi của bị cáo, kể cả với hành vi của cha đẻ là bị cáo Dũng. Do đó, tòa cho rằng cần xem xét áp dụng chính sách nhân đạo đối với Đỗ Hoàng Việt.

Chủ tọa cho biết các bị cáo và những người bị hại có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm.

Cũng theo cấp sơ thẩm, sau khi mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng với Tân Hoàng Minh. Thông qua đó, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được tổng số tiền gần 14.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi huy động tiền, các bị cáo chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của nhà đầu tư. Sau đó, Tân Hoàng Minh chi hơn 5.000 tỷ của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Bị cáo Dũng và đồng phạm còn dùng gần 2.000 tỷ để trả nợ ngân hàng và chi tiêu cá nhân khoảng 800 tỷ đồng.

Như vậy, hành vi nêu trên của bị cáo Đỗ Anh Dũng và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, với số tiền đặc biệt lớn của rất nhiều người. Đó là những lý do mà tòa sơ thẩm đưa ra mức án như trên với từng bị cáo.

Về dân sự, tòa cho rằng, các bị cáo chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng của hơn 6.600 bị hại, nên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường toàn bộ số tiền trên. Xem xét ý kiến của các bị hại và những người có quyền và lợi ích hợp pháp, tòa cho rằng, đối với yêu cầu tính các loại lãi và thiệt hại khác của các bị hại, bị cáo Đỗ Anh Dũng cũng đồng ý một phần để trả lãi theo thỏa thuận ở thời điểm trước khi khởi tố vụ án đối với những giao dịch mua trái phiếu mà chưa được trả lãi.

Hội đồng xét xử thấy rằng đây là vụ án hình sự, tòa án quyết định về trách nhiệm bồi thường dân sự liên quan tới số tiền chiếm đoạt nên không có căn cứ tính các loại lãi như yêu cầu của một số bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.

Theo tòa sơ thẩm, yêu cầu trên chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án của tòa án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực pháp luật.

Đối với ý kiến của bị cáo Đỗ Anh Dũng về việc đồng ý trả lãi theo thỏa thuận như đã nêu trên, tòa cho rằng, đây là sự tự nguyện của bị cáo, không thuộc trong phạm vi vụ án này, nên được xem xét trong một vụ án khác khi có yêu cầu.

Đối với yêu cầu của một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc trả lãi số tiền đã nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra hoặc yêu cầu các công ty phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh hoặc Tân Hoàng Minh phải trả lãi số tiền trên hoặc chấm dứt giao dịch… Tòa cấp sơ thẩm thấy rằng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà các công ty, tổ chức đã nộp cho cơ quan điều tra đều có nguồn gốc từ việc mua trái phiếu của các bị hại, nên phải nộp lại để khắc phục hậu quả của vụ án.

Như vậy theo nguyên tắc bồi thường, tòa cấp sơ thẩm cho rằng phải yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại. Tuy nhiên, trong vụ án này đã chứng minh được số tiền các bị hại bị chiếm đoạt đã nộp đầy đủ cho Tân Hoàng Minh và thực tế việc đã sử dụng số tiền này là do bị cáo Đỗ Anh Dũng quyết định, các bị cáo không được hưởng lợi gì, không có vai trò trong việc sử dụng số tiền trên.

Do đó, để bảo đảm sự công bằng giữa các bị cáo trong vụ án, cần buộc bị cáo Đỗ Anh Dũng phải bồi thường toàn bộ số tiền hơn 8.600 tỷ đồng cho hơn 6.600 bị hại. 13 bị cáo khác, các bị cáo và gia đình đã khắc phục hậu quả tổng cộng gần 1 tỷ đồng. Tuy không xác định nghĩa vụ bồi thường, nhưng các bị cáo đã tự nguyện khắc phục, hội đồng xét xử ghi nhận sự khắc phục hậu quả đối với 13 bị cáo, đây được xem là tình tiết giảm nhẹ cho 13 bị cáo.

Các tin khác