Thậm chí nhiều người già, tàn tật, neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn…đều được cán bộ chiến sĩ còn tới tận nhà để làm CCCD.
Người dân chụp ảnh làm CCCD gắn chip. Ảnh: CHÍ THẠCH
Trung tá Phạm Đăng Khải, Phó Trưởng Công an phường Tam Bình cho biết, đầu tháng 11-2021 tới nay, đơn vị đã triển khai cấp CCCD gắn chip cho người dân tạm trú, thường trú trên địa bàn. Cán bộ của đơn vị được huy động triệt để luân phiên thay đổi, làm việc tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ 7 và chủ nhật, để phục vụ người dân làm CCCD gắn chip.
“CSKV sẽ trực tiếp đến tận từng nhà hộ dân để phát giấy mời thời gian, địa điểm cụ thể để người dân tới làm CCCD gắn chip. Thẻ CCCD gắn chip tích hợp đầy đủ những thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục không cần mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ sử dụng thẻ CCCD. Dữ liệu trên chip có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính…” Trung tá Khải chia sẻ.
Cán bộ Công an phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TPHCM kiểm tra thông tin người dân làm CCCD gắn chip. Ảnh: CHÍ THẠCH
Về nguyên nhân chậm trễ trả CCCD gắn chip thì Thiếu tá Nguyễn Hồ Hải Lý (công an phường Tam Bình) cho biết, do lúc người dân tới làm khai hồ sơ quét lên máy có thể sai ký tự, thiếu 1 số thông tin…dẫn tới phần mềm không được làm sạch.
Thông tin sẽ được trả về lại cho cán bộ, cán bộ sẽ đi truy hỏi tìm các nguồn thông tin của người dân để chỉnh sửa, làm sạch cập nhật lên lại. Người dân tới làm CCCD thì khi đăng ký trả qua đường bưu điện thì sẽ được Phòng PC06 chuyển qua bưu điện.
Đợt dịch vừa qua, bưu điện không thể trả nên có “nhờ” qua cán bộ công an trả cho người dân. CSKV sẽ trực tiếp đi tới tận nhà dân để trả CCCD gắn chip cho người dân. Người dân khi tới làm CCCD gắn chip thì vẫn sử dụng CMND cũ để giao dịch. Chỉ tới khi người dân nhận lại thẻ CCCD gắn chip thì công an mới thu lại CMND cũ.
Thiếu tá Nguyễn Hồ Hải Lý, cán bộ Công an phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TPHCM hướng dẫn cho người dân làm CCCD gắn chip. Ảnh: CHÍ THẠCH
Thiếu tá Lý chia sẻ, là cán bộ nữ, chị đã phải cố gắng cân đối giữa công việc gia đình và nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiểu được sự cấp thiết, tầm quan trọng và lợi ích khi đưa CCCD gắn chíp điện tử vào sử dụng; đây là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về dân cư, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, nên người thân trong gia đình đều động viên và hỗ trợ về thời gian để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
"Mỗi ngày, chúng tôi đang thực hiện một ngày 3 ca, làm việc từ 7 giờ sáng đến 24 giờ đêm. Nếu như người dân có yêu cầu chúng tôi vẫn tiếp nhận đến sáng để hoàn thành được khối lượng Bộ Công an, Công an TPHCM đã giao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao, bản thân tôi cũng cố gắng động viên gia đình, cha mẹ, con cái chia sẻ công việc giúp tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…”.Thiếu tá Lý chia sẻ.
Tương tự, tại trụ sở Công an các quận huyện như: 3, 5, 1, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân,...các cán bộ chiến sĩ vẫn nỗ lực cả ngày lẫn đêm để làm căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân trên địa bàn
Trước đó, đầu tháng 11-2021, Công an TPHCM đã tổ chức ra quân cao điểm đợt 2 cấp CCCD gắn chip cho người dân trên địa bàn. Dự kiến đến cuối tháng 11-2021, Công an TPHCM sẽ huy động tối đa các lực lượng để tham gia cấp gần 3,5 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp thẻ CCCD; người dân đang sử dụng CMND 9 số, CMND 12 số, mã vạch; người dân đã có CCCD gắn chip nhưng bị mất, hết hạn sử dụng, thay đổi về thông tin…
Công an TPHCM cho biết, trong đợt 2 cấp CCCD gắn chíp điện tử (từ ngày 4-10-2021 đến 18-11-2021), các đơn vị đã trả 2.121.503 thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong số 2.158.940 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 98,3%; tổ chức khắc phục 115.757/166.464 hồ sơ sai lệch.