Công bằng giữa khách VIP và 'F0'

(ĐTTCO)-Các nước có nền tài chính phát triển đang đòi hỏi công bằng giữa khách VIP và nhà đầu tư nhỏ và công ty chứng khoán (CTCK) muốn tự doanh phải dùng vốn tự có.
Công bằng giữa khách VIP và 'F0'

1. Tự doanh bằng vốn tự có

Bên cạnh những ông chủ lắm tiền nhiều của thành lập mới hoặc mua lại CTCK, trước nhu cầu phát triển doanh nghiệp, tiết kiệm khoản phí giao dịch, hàng loạt ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, Techcombank... cũng "đỡ đầu" các CTCK.

Ông Hồ Quốc Tuấn (giảng viên ĐH Bristol, Anh) cho biết trên thế giới hoạt động có bản chất tương tự như tự doanh của CTCK ở Việt Nam vẫn phổ biến, có thể ở dưới dạng giao dịch "bằng tiền của công ty" của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán, hoặc chuyển sang hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư con của CTCK.

Dù vậy gần đây luật của Anh và Mỹ đã siết lại hoạt động, một số ngân hàng không được thực hiện giao dịch nhiều rủi ro bằng tiền của ngân hàng nữa bằng cách đòi hỏi vốn tự có cho hoạt động này tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, những biến tướng của nó thì không ngừng tăng lên. Một số được thực thi dưới chiêu bài "tạo lập thị trường" hay "phòng ngừa rủi ro", do đó được phép giữ vị thế đầu tư trong ngắn hạn. Thực tế đây chính là một dạng tự doanh với kỳ hạn đầu tư ngắn.

2. Công khai thông tin để tránh bên trọng bên khinh

Tại nhiều nước trên thế giới, những buổi gặp giữa công ty niêm yết và các nhà phân tích phải được thu hình lại và công bố lên mạng, công bố toàn bộ ghi âm của cuộc họp lên website công ty. Ngay cả một sự kiện do công ty môi giới tổ chức mà có đại diện công ty niêm yết tham dự và phát biểu về tình hình kinh doanh thì website của công ty cũng phải đăng toàn bộ nội dung trình bày.

"CTCK biết được những thông tin mà nhà đầu tư nhỏ không biết (tình trạng margin của cổ phiếu, lệnh đang tập trung vào cổ phiếu nào), cũng như khả năng "đẩy lệnh" của công ty đi trước lệnh của khách hàng nhỏ. Một số công ty thanh toán lớn của Mỹ vừa rồi phải nộp phạt nhiều triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vì bị cáo buộc "xử lý lệnh của khách hàng không hợp lý". Ở một nơi chặt chẽ như Mỹ còn như vậy thì không thể khẳng định ở Việt Nam không có hiện tượng đó", ông Tuấn cho hay.

3. Lắng nghe để sửa luật

Ở Mỹ từng có chuyện các "cá mập" bỏ tiền để biết được lệnh mua bán của các nhà đầu tư nhỏ qua đó kiếm chác. Năm 2000, SEC đã ban hành quy định không cho các công ty niêm yết cung cấp thông tin có tính trọng yếu cho riêng một vài chuyên viên phân tích hay một vài nhà đầu tư tổ chức.

Chính phủ Anh cũng yêu cầu Ngân hàng Trung ương Anh điều tra và chấn chỉnh vấn đề trên, trong khi Mỹ yêu cầu điều trần trước quốc hội để làm cơ sở điều chỉnh luật.

"Tại Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong năm 2020 - 2021, trong đó có nhiều người thiếu kinh nghiệm và dễ bị lợi dụng, vì vậy cần lắng nghe để điều chỉnh luật bảo vệ nhà đầu tư và tăng công bằng, minh bạch cho thị trường", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, khuôn khổ luật lệ không được phân biệt đối xử trong công bố thông tin trọng yếu đang vướng hai vấn đề: thứ nhất là lằn ranh của thông tin trọng yếu ở đâu, thứ hai là nhu cầu có các "sản phẩm VIP" để nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn có thể tiếp cận được doanh nghiệp đằng sau bức màn.

Lằn ranh mong manh trên thường xuyên bị đạp qua, ngay cả Mỹ cũng đang không ngừng đấu tranh với những chiêu thức mới. Tuy vậy, Việt Nam cũng phải bắt đầu xác định một lằn ranh đỏ, không cung cấp thông tin "thoải mái" quá như hiện nay.

Không thể kiếm chác từ thông tin hậu trường

Tại Mỹ, bộ quy tắc đạo đức và các chính sách, thủ tục về giao dịch nội gián (CoE) đã ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, dù lớn hay nhỏ.

Theo SEC, CoE xem giao dịch chạy trước, thao túng thị trường và các hành vi gian lận khác là các chiêu trò lạm dụng bị cấm. Các đối tượng vi phạm có thể chịu phạt, loại khỏi ngành hoặc chịu trách nhiệm pháp lý. Đặc biệt, những người nắm thông tin hậu trường bị cấm mua trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), do có nhiều khả năng họ sẽ thực hiện các hành vi lạm dụng.

Người nắm thông tin hậu trường cũng không được giao dịch chứng khoán khi biết rằng quỹ đầu tư, cố vấn hoặc doanh nghiệp đang có kế hoạch mua vào hoặc bán ra đối với loại chứng khoán đó. Những người này cũng không được phép tham gia các giao dịch có yếu tố xung đột lợi ích.

CoE yêu cầu các cá nhân này khai báo về việc nắm giữ cổ phiếu và gửi các tài liệu liên quan cho cán bộ giám sát tuân thủ, yêu cầu sao kê cả tài khoản những người thân ruột thịt của người nắm thông tin.

Cán bộ giám sát tuân thủ sẽ xem xét tất cả giấy tờ liên quan nhằm phát hiện các giao dịch song song (tức cùng bán hoặc cùng mua một loại chứng khoán tự nắm giữ và trong danh mục đầu tư ở các công ty quản lý quỹ). Việc rà soát sẽ được thực hiện trong vòng 15 ngày trước hoặc sau khi giao dịch được thực hiện.

Các tin khác