Dầu hỏa sẽ tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít; dầu mazut từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu nhờn và mỡ nhờn cũng tăng từ mức 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Theo tính toán, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Do lo ngại thời điểm áp dụng tăng thuế BVMT đối với xăng dầu đúng vào thời điểm “nhạy cảm” sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2019, nên tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã kiến nghị xem xét lại thời điểm thích hợp để tăng thuế. Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để tăng thuế BVMT với xăng dầu. Bởi khi thuế BVMT với xăng dầu tăng thì từ hạt gạo, mớ rau, con cá tới quả trứng đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Việc tăng thuế này trước mắt chưa có tác động ngay nhưng chỉ sau khoảng 3 tháng, toàn bộ nền kinh tế sẽ có tác động tiêu cực bởi tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay, ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng. Và khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải, bốc xếp tăng. Điều này lại đi ngược với chỉ đạo giảm chi phí logistics xuống 50% của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn rộng ra, chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định. Chưa kể, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế.
Do đó, mặt hàng này có tăng giá như thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Nhưng khi những mặt hàng này tăng giá sẽ làm giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến CPI. Ngoài ra, ảnh hưởng lan tỏa đến chu kỳ sản xuất sau khi nền kinh tế sử dụng nguyên liệu đầu vào đã được tăng thuế cũng chưa được tính. Và khi chi phí tăng lên quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển xã hội, cũng như không kích thích kinh tế tiêu dùng, nếu không muốn nói sẽ góp phần làm trì trệ tăng trưởng chung của nền kinh tế!
Liên quan đến tính minh bạch trong việc thu, chi thuế BVMT, các chuyên gia cũng đề nghị cần phải được làm rõ. Trong đó, lưu ý đến việc thu thuế BVMT đối với xăng dầu phải sử dụng vào đúng mục đích BVMT, không hòa cả vào ngân sách để bù cho nguồn thu do bị thâm hụt khi nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% theo các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương như Bộ Tài chính lý giải. Bởi theo tính toán, ngành vận tải không phải là ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất. Ngành này thậm chí còn thải ra chất thải thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế. Ngành thải ra khí nhà kính lớn nhất chính là công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó là xuất khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu thải ra khí nhà kính chiếm 51% tổng phát thải. Trong đó, sản xuất hàng xuất khẩu cơ bản thuộc lĩnh vực FDI, chiếm 73%. “Do vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu vì mục đích BVMT hoàn toàn không hợp tình, hợp lý”, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh khẳng định. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Chính phủ, tổng chi ngân sách nhà nước cho BVMT giai đoạn 2012-2017 đạt hơn 158.000 tỷ đồng, nhưng các khoản chi được triển khai ra sao lại không được nhắc đến, thiếu minh bạch khiến lòng dân nghi ngờ...
Trên thực tế, về mặt lý thuyết kinh tế, nhân danh BVMT để tăng thu chưa bao giờ được coi là nguồn thu ổn định, bền vững. Bởi đối với người dân, đó không phải là lẽ công bằng. Bởi hiện nay, nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT… thì mức đóng góp của ngành xăng dầu đã đạt gần 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Trường hợp, nếu thuận theo đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT của Bộ Tài chính được chấp thuận thì con số này sẽ tiếp tục được đẩy lên cao chót vót.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng trong thời điểm hiện nay là không nên chỉ nghĩ đến thu mà phải nghĩ nhiều hơn đến vấn đề chi để ngân sách được cân bằng lại. Bên cạnh đó, cần giải được bài toán hài hòa giữa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Khi người dân thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cần được biết tiền của mình đi đâu về đâu và được sử dụng vào mục đích gì? Do đó, phương án tốt nhất hiện nay là giảm chi ngân sách, song song với minh bạch những con số vĩ mô để phản ánh thực sự nền kinh tế, từ đó đưa ra được giải pháp phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng.
Mặt khác, thay vì chỉ tập trung vào tăng thuế xăng dầu, nên chăng có biện pháp mở rộng nguồn thu khác như thuế rượu, bia, thuốc lá (người dân rất ủng hộ)… và thực hiện hiệu quả việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, tinh giản bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả hơn và tái cơ cấu lại thu, chi. Bởi trong tái cơ cấu, không chỉ có tăng thu mà còn giảm chi nhiều khoản. Từ đó, tạo sự công bằng giữa nhu cầu, quyền lợi của người dân cũng như lợi ích với doanh nghiệp, Nhà nước.