Công bố 10 công ty thực phẩm và đồ uống uy tín 2020

(ĐTTCO) - Ngày 23-9, CTCP báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2020. Theo đó, bên cạnh những cái tên như CTCP sữa Việt Nam, CTCP sữa TH, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam, CTCP giống bò sữa Mộc Châu.... được xướng tên, Vietnam Report còn thực hiện khảo sát nhanh để đánh giá thực trạng và triển vọng của DN trong thời kỳ bình thường mới. 
Công bố 10 công ty thực phẩm và đồ uống uy tín 2020
Năm 2020: nhiều mảng sáng - tối đan xen
Theo đánh giá của Vietnam Report, mặc dù ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025, do các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP mở ra cơ hội xuất khẩu, lượng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thu hút phát triển và chuyển giao công nghệ.
Song, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19 đã trở thành động lực dẫn dắt thị trường. Tập khách hàng phân mảnh hơn dẫn đến nhu cầu đối với từng nhóm sản phẩm cũng trở nên riêng biệt hơn. Các hộ gia đình với quy mô nhỏ hơn buộc các DN phải xây dựng các chiến lược khác đi. 
Và quan trọng nhất, với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng đang “tự trao quyền” cho chính mình trong việc lựa chọn sản phẩm khi có đến 55% người dân tại thành thị và 59% người dân tại nông thôn dành thời gian tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua sắm. Nói cách khác, chính người tiêu dùng hiện nay đang dẫn dắt thị trường, chứ không phải DN thực phẩm và đồ uống (F&B). 
Thêm vào đó, mặc dù đang trong quá trình phát triển rực rỡ, nhưng ngành F&B tại Việt Nam hiện được ví như một “ngôi làng” thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu cơ quan chủ quản, mạnh ai người đó làm. “Ngôi làng” này năm nay vừa trải qua 2 cơn bão lớn là Nghị định 100 và đại dịch Covid-19. 
Theo khảo sát, khoảng 50% số DN cho rằng, hoạt động bị tác động ở mức độ nghiêm trọng, trong đó nhóm đồ uống có cồn bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả do còn chịu tác động của Nghị định 100. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đối với các nhóm sản phẩm trong ngành cũng có sự khác biệt đáng kể. 
Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, trên 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh, trong khi đó 63,7% khách hàng đã cắt giảm chi tiêu cho bia, rượu. 
Theo đó, các DN cũng phải điều chỉnh công suất hoạt động cho phù hợp. Đại diện một số DN trong ngành thực phẩm cho biết, đã tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trái lại, năng lực sản xuất của nhóm DN đồ uống hiện chỉ hoạt động chủ yếu ở mức dưới 80% so với trước đại dịch. 
Mặc dù vậy, theo Vietnam Report, đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra cú huých giúp DN đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Bằng chứng là những DN đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý đã tỏ ra rất vững vàng trong khủng khoảng, trừ những công nhân trực tiếp sản xuất tại nhà máy buộc phải làm luân phiên theo ca, tất cả các hoạt động khác của DN đều có thể điều khiển và giám sát từ xa thông qua các phần mềm, ứng dụng và hệ thống camera từ xuất, nhập kho, giao nhận, bán hàng, phân phối hay các cuộc họp trực tuyến kết nối các chi nhánh trên khắp cả nước. 
Ngoài ra, 63,2% DN cho rằng, đây là cơ hội để đẩy nhanh đổi mới sáng tạo. Đổi mới từ hệ thống phân phối: điều chỉnh tỷ trọng giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại, phát triển các ứng dụng tăng cường trải nghiệm khách hàng khi mua sắm, đổi mới từ thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường, đổi mới từ phát triển các dòng sản phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch hơn. 
Quan trọng hơn cả, Covid-19 chính là điều kiện tạo ra những thay đổi sâu sắc trong chiến lược của ban lãnh đạo. Vietnam Report tin rằng, với những bài học kinh nghiệm đúc kết từ khủng hoảng, cộng đồng DN F&B sẽ ngày một vững mạnh hơn trong tương lai.
Triển vọng lạc quan 
 Để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, các DN cho rằng top 5 chiến lược cần ưu tiên là tăng trưởng doanh thu; ưu tiên phát triển thị trường hiện tại; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm; đa dạng hóa nguồn cung ứng, ưu tiên nguồn cung trong nước; và mở rộng, phát triển các kênh phân phối online trên nền tảng thương mại điện tử. 5 chiến lược này đều được đúc kết từ chính những sai lầm, khó khăn của DN trong quá trình ứng phó với Covid-19 vừa qua. 
Báo cáo Vietnam Report 
Mặc dù bị tác động nghiêm trọng do Covid-19, nhưng có đến gần 58% DN đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2020 khá tích cực, trên 50% DN có niềm tin rõ rệt vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Trong đó, 56,3% DN ước tính mất khoảng 6 tháng để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, 25% số DN mất khoảng 7-12 tháng và 18,7% mất nhiều hơn 12 tháng. Nhìn chung, các DN đồ uống được dự báo mất nhiều thời gian hơn so với các DN thực phẩm.
Bên cạnh đó, khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra một số xu hướng diễn ra trong hiện tại và tương lai khi DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, những xu hướng trong ngắn hạn có thể kể đến như: làm việc từ xa; dịch chuyển thói quen từ ăn uống tại nhà hàng sang tại nhà; mối lo ngại về thực phẩm nhập khẩu. Đây được đánh giá là xu hướng nhất thời do những ảnh hưởng của giãn cách xã hội và “lockdown” trong giai đoạn bùng phát của dịch. 
Về lâu dài, 55,6% DN cho rằng, làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn, 2 xu hướng còn lại sẽ thoái trào do các hiệp định thương mại như EVFTA và nhu cầu giao lưu, gặp mặt, ăn uống tại nhà hàng của giới trẻ rất lớn. Xét trong dài hạn, các xu hướng chính bao gồm: áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn; giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn; phân bổ lại nguồn đầu vào trong các chuỗi cung ứng; và tái cấu trúc/định vị hình ảnh tại các thị trường hiện tại. 
Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu mạnh, DN cần phát triển đồng thời 7 khía cạnh là sản phẩm, đổi mới, môi trường làm việc, trách nhiệm xã hội, năng lực quản trị, khả năng lãnh đạo và kết quả kinh doanh, chứ không phải chỉ 1 hoặc 2 khía cạnh. 

Các tin khác