Công bố thủ tục khi sáp nhập, phá sản TCTD

Từ ngày 11-12, các tổ chức tín dụng chấm dứt hoạt động không được thanh toán nợ không có bảo đảm, chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản, ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động...

Từ ngày 11-12, các tổ chức tín dụng chấm dứt hoạt động không được thanh toán nợ không có bảo đảm, chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản, ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động...

 

Ngày 28-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 34 hướng dẫn về trình tự và thủ tục::

- Thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Thông tư 34 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 11-12-2011.

Nguyên tắc thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản:

(i) Trường hợp TCTD bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất,  trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thực hiện theo quy định của pháp luật về chia, tách, sáp nhập, hợp nhất TCTD.

(ii) Trường hợp TCTD phá sản, NHNN thu hồi Giấy phép ngay sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng phá sản. Việc thanh lý tài sản của TCTD được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

(iii) Các trường hợp khác, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Các hình thức nghiêm cấm kể từ khi có quyết định thu hồi giấy phép:

Kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua việc thu hồi Giấy phép (đối với trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi Giấy phép) hoặc Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấm dứt hoạt động (đối với trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị thu hồi Giấy phép), nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

- Cất giấu, tẩu tán tài sản;

- Thanh toán nợ không có bảo đảm;

- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Tặng, cho, cầm cố, thế chấp và cho thuê tài sản;

- Ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động;

- Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.

Thống đốc NHNN là người có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư này; NHNN giám sát quá trình thanh lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

Thông tư 34 quy định hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật. Hồ sơ được gửi tới NHNN Việt Nam bằng hình thức: gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

Ngoài ra, Thông tư 34 còn có các Điều, Khoản quy định cụ thể về: Thu hồi Giấy phép đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện; Thanh lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước; Giám sát thanh lý tài sản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Và trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Thông tư này.

Các tin khác