Công cụ chứng chỉ tiền gửi

(ĐTTCO) - Đứng trước các yêu cầu về vốn để đáp ứng giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu cho vay cũng như bổ sung nguồn vốn cấp 2 hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II, nâng hệ số CAR lên mức cao hơn, hàng loạt đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) đã được nhiều NH thực hiện.
Công cụ chứng chỉ tiền gửi
 Công cụ này được đánh giá là giải pháp hút vốn tối ưu để đáp ứng yêu cầu về vốn tại các NH hiện nay.
Cạnh tranh lãi suất cao
Tháng 12 năm ngoái, VIB chính thức triển khai phát hành CCTG bằng VNĐ với mức lãi suất 8,7%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ trên toàn hệ thống. Cụ thể, khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 10 triệu đồng với kỳ hạn 61 tháng và 84 tháng, tương ứng mức lãi suất là 8,5%/năm và 8,7%/năm.
Lãi suất CCTG được cố định trong suốt kỳ hạn và tiền lãi được trả định hàng năm cho khách hàng. Theo VIB, CCTG là hình thức tiền gửi sinh lợi cao với mức lãi suất rất hấp dẫn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Sản phẩm này thích hợp với các khách hàng cá nhân và tổ chức có nguồn tài chính ổn định và nhu cầu sinh lời cao trong dài hạn. 
 Hiện nay chủ trương của Chính phủ và NHNN hướng đến là giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nên NH chỉ có thể điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức vừa phải. Như vậy, phát hành CCTG là giải pháp giúp các NH giải quyết được hàng loạt vấn đề nói trên. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp các NH bổ sung nguồn vốn cấp 2 nhằm hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II, nâng hệ số CAR lên mức cao hơn. 
TS. Bùi Quang Tín, 
Trường Đại học NH TPHCM
Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất CCTG cao nhất. Cũng trong tháng 12-2017, NCB phát hành CCTG bằng VNĐ với lãi suất lên tới 8,8%/năm. Đây là mức lãi suất dành cho khách hàng mua CCTG với mệnh giá tối thiểu 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cạnh tranh trong đợt phát hành CCTG này còn có SHB, NH này phát hành CCTG Phát Lộc với lãi suất 8,8%/năm vào cuối tháng 12-2017. Mệnh giá phát hành của CCTG tối thiểu từ 100.000 đồng đối với cả khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức và không giới hạn giá trị tối đa.
Ngoài ra, SHB còn kèm theo các điều kiện ưu đãi, như trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố CCTG để vay vốn tại SHB với lãi suất siêu ưu đãi bằng lãi suất của CCTG. Đầu năm 2017, một đợt phát hành CCTG siêu lãi suất của các NH cũng đã diễn ra, như VietABank phát hành CCTG gửi lãi suất 8,2%/năm, Sacombank phát hành với lãi suất 8,88%/năm, VPBank có lãi suất kỷ lục 9,2%/năm…
Theo lãnh đạo nhiều NH, CCTG có tính linh hoạt cao, khách hàng có thể chiết khấu, tái chiết khấu hoặc dùng CCTG làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại NH và các TCTD khác, hoặc có thể chuyển quyền sở hữu CCTG dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng… nên phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Phát hành CCTG cũng giúp NH hút được nguồn vốn tốt để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng nguồn vốn trung dài hạn, nâng cao các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và cơ cấu nguồn vốn huy động của NH theo hướng ổn định.

Lãi cao kèm điều kiện
Năm 2017 lãi suất huy động của các NHTM diễn biến theo hướng gửi kỳ hạn càng dài càng có lợi. Theo đó, các kỳ hạn huy động dưới 6 tháng chủ yếu đứng yên, có thời điểm còn giảm nhẹ, trong khi các kỳ hạn trên 6 tháng liên tục biến động theo xu hướng tăng, thể hiện sự cạnh tranh rõ rệt giữa các NH.
Nhờ đó, cơ cấu nguồn vốn của các TCTD tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, giảm tỷ trọng vốn liên NH. Cụ thể, tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng từ 73,7% lên 76,9%, tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên NH giảm từ 11,1% xuống 10,8%. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2018, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của NH, chi nhánh NH nước ngoài giảm xuống 45%, và kể từ 1-1-2019 trở đi tỷ lệ này giảm xuống còn 40%. 
Bên cạnh đó, nhiều NH đã chuyển hướng kinh doanh từ bán buôn sang bán lẻ, tập trung cho vay tiêu dùng. Cụ thể, năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% so với năm 2016 chỉ tăng 50,2%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% trong năm 2016 lên 18% vào năm 2017. Trong đó, 52,9% tín dụng tiêu dùng lại được cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở. Theo đó, nhu cầu nguồn vốn trung và dài hạn của các NH cũng tăng cao để đáp ứng quy định cũng như để cho vay. 
Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, CCTG là công cụ được triển khai lần đầu tiên vào năm 1994 để các TCTD huy động vốn trung hạn, đa dạng hóa hình thức huy động vốn. Lãi suất của sản phẩm CCTG rất linh hoạt. Năm đầu tiên, các NH thường phát hành với lãi suất rất cao để thu hút khách hàng, năm thứ 2 sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất này và bắt đầu thả nổi từ năm thứ 3. Đây là giải pháp hữu hiệu để thu hút vốn trung và dài hạn trong bối cảnh hiện nay. 
Hơn nữa, khi muốn phát hành CCTG, các NH có thể chủ động thực hiện, trong khi muốn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu NH phải lập hồ sơ phát hành và có sự chấp thuận của NHNN và Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Nhà đầu tư khi mua trái phiếu sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, còn mua CCTG không phải nộp thuế. Lãi suất CCTG của các NH hiện nay được tính bằng bằng lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng lãnh lãi cuối kỳ của khách hàng cá nhân, được niêm yết trên website của 4 NH có vốn nhà nước, gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV cộng biên độ NH quy định. Lãi suất của các NH này thường đứng yên và trong định hướng giảm lãi suất có thể sẽ đi xuống trong những năm tới.
Theo đó, các NH không có nhiều áp lực về lãi suất khi huy động CCTG nhưng vẫn thu hút được nhiều khách hàng mới. 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo khách hàng nên tính toán thận trọng vì có thể chỉ hưởng lãi suất cao được 1 năm đầu tiên, trong khi kỳ hạn CCTG tại nhiều NH thường kéo dài 5-7 năm.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính), cho biết khi tham gia CCTG, NH luôn có các yêu cầu ràng buộc khách hàng trong kỳ hạn dài cố định, không được phép rút tiền khi còn trong kỳ hạn, hoặc được rút nhưng phải bị phạt. Ngược lại, khi huy động vốn dưới hình thức này, NH cũng phải đánh đổi sự ổn định bằng cách trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền.

Các tin khác