Cuộc khủng hoảng đang được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, với một số người dùng internet đồng cảm với hoàn cảnh của người Ukraine và những người khác chế nhạo cuộc khủng hoảng và cổ vũ cho Nga.
Một số người dùng tỏ ra tán thành bạo lực tình dục đối với những phụ nữ Ukraine đang bỏ trốn, nói rằng họ sẽ “sẵn lòng chăm sóc họ”.
Một cư dân Bắc Kinh, Chen Jingjing, cho biết cô đã công khai tranh luận với những người đang tạo ra những “trò đùa” như vậy.
“Đó là một trò đùa ác ý, họ đang coi phụ nữ trong chiến tranh như tài nguyên tình dục, thay vì đối xử với họ như con người. Tôi không thể chấp nhận điều đó”.
Cô Chen nói rằng trong một cuộc trò chuyện nhóm, cô và những người khác đã giận dữ nói với mọi người rằng họ đang bỡn cợt, đồng thời yêu cầu họ tôn trọng phụ nữ và không chế nhạo những người đang chịu đựng cuộc khủng hoảng.
Kể từ đó, nhiều nền tảng internet bao gồm Weibo, TikTok Douyin và WeChat đã tạm ngưng các tài khoản có nội dung khiêu khích và kêu gọi người dùng giữ thái độ “khách quan và hợp lý”, đồng thời duy trì “bầu không khí trong sạch và chính trực” khi thảo luận về các sự kiện quốc tế.
Trong một bài bình luận hôm 27-2, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã kêu gọi người dùng internet “thảo luận và trình bày quan điểm một cách hợp lý”, chỉ trích những người “nói không đúng mực”.
Trên tài khoản WeChat của mình vào 27-2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã kêu gọi bình tĩnh.
“Người Ukraine đang phải trải qua những khó khăn và khó chịu… chúng ta cần hiểu họ và không kích động họ”, Đại sứ quán nói.
Trước đó một ngày, họ cho biết công dân Trung Quốc nên “có quan hệ thân thiện với công chúng Ukraine, tránh xung đột về các vấn đề cụ thể và cố gắng giải quyết vấn đề một cách thân thiện”.
Các bình luận trực tuyến và việc Bắc Kinh từ chối lên án hành động của Matxcơva đã làm phức tạp thêm những vấn đề đối với người Trung Quốc ở Ukraine.
Một sinh viên Trung Quốc đang học tập tại thủ đô Kyiv của Ukraine, người không muốn nêu tên, cho biết cô lo sợ có thể có quan điểm chống Trung Quốc trong những người dân địa phương đã xem báo cáo về những bình luận trực tuyến này.
“Tôi thậm chí không dám đi vào một nơi trú ẩn, tôi sợ rằng mình có thể bị từ chối”, cô nói.
Tuần báo China News cũng dẫn lời hai sinh viên khác cho biết họ vấp phải sự chỉ trích từ những người bạn Ukraine và hạn chế liên lạc với người dân địa phương.
Cô sinh viên ở Kyiv cho biết cô đã khóc vì thành phố mình đã sống trong 7 năm, khi bị đánh thức vào lúc 3 giờ sáng 27-2.
Trên bản đồ thành phố, cô đã đánh dấu hàng chục địa điểm bằng các ngôi sao và trái tim.
“Đây là tất cả các nhà hàng, triển lãm, quán cà phê và hiệu sách mà tôi đã từng đến. Bây giờ tất cả chúng đều bị chiến tranh che phủ”.