Nhưng để đạt được mục tiêu điều đầu tiên là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực bơm vào những dự án công, công khai minh bạch và có tầm nhìn tương lai cho dự án.
Thực tế đến thời điểm này nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể chỉ số vĩ mô đều ổn định, mang tính hỗ trợ cho việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng còn lại của năm. Lạm phát dưới mức 4%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 3,84%, chỉ số tài chính, tiền tệ đều được bảo đảm, tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đạt trên 10%.
Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng trên 10%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái và bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm của ngành khai khoáng, đặc biệt là dầu thô. Chỉ số xuất nhập khẩu cũng đạt kết quả ấn tượng khi xuất khẩu tăng khoảng 18%, nhập khẩu tăng 22% trong 8 tháng qua. Điều này cho thấy với quyết tâm của Chính phủ, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội đề ra có khả năng đạt được, trong đó có ít nhất 5 chỉ tiêu vượt mức kế hoạch.
Dự án Nhà máy Sơ xợi Đình Vũ, một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.
Vậy nhưng, thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng vẫn còn, đặc biệt trong bối cảnh hạn hẹp về ngân sách. Đó là chuyện vung tay đầu tư vào các dự án khủng theo kiểu ngẫu hứng, hoặc chiến lược lấp lửng dường như đang ngày càng nở rộ. Hệ quả, ít có dự án nào đem lại quả ngọt, đôi khi còn phải ngậm đắng thoái lui. Vì thế, khi các bộ, ngành công bố 43 dự án đầu tư tới 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu kém hiệu quả, nguy cơ thua lỗ, dư luận đã đặt câu hỏi: Ai khẳng định danh sách 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu sẽ dừng lại ở đây?
Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, nợ công cao cũng từ những đầu tư ngẫu hứng. Chỉ một cái túi ngân sách mà bao dự án nhòm vào. Hình ảnh các tỉnh thành cắp cặp ra Trung ương chạy dự án, xin vốn những năm trước nay đã vơi đi nhiều nhưng không phải đã hết và lại đang đảo chiều.
Đó là thực trạng mỗi khi Chính phủ, bộ, ngành về làm việc với các tỉnh, thành là nhận được hàng loạt đề nghị mở dự án này, làm công trình kia. Nghe thì toàn cấp bách, cần thiết, nhưng tiền bạc ở đâu khi ngân sách chi thường xuyên gấp 4 lần chi cho đầu tư phát triển.
Một thời tỉnh thành nào cũng “sáng tạo” tìm nguồn thu với phương thức đổi đất lấy dự án, công trình rất bài bản và đúng quy trình, quy định pháp luật, với những cam kết nghe rất hoành tráng. Vậy mà trong quy trình thu hồi đất của dân để trao cho nhà đầu tư, dường như chính quyền lại “quên” quyền lợi của dân. Trả tiền cho dân một, nhưng cũng mảnh đất ấy DN chia ra bán với giá gấp nhiều lần, khiến khiếu kiện kéo dài.
Điều đáng nói, không hiếm chủ đầu tư, đại gia trong số đó cũng chỉ là những “thùng rỗng” kêu to, quay vòng vốn từ các ngân hàng. Vòng xoáy của vốn tín dụng cũng từ đó mà thiếu kiểm soát. Hậu quả núi nợ xấu càng phình to, gỡ không nổi. Và thực tế đã minh chứng điều này khi liên tiếp nhiều lãnh đạo ngân hàng đã không giữ nổi mình trước cám dỗ của “phết phẩy” trong tiền gửi, tiền cho vay để vướng vào vòng lao lý.
Dư luận cũng thắc mắc có hay không việc DN “dắt tay” chính quyền? Qua những lần DN tặng xe tỉnh này, tỉnh kia, nếu mổ xẻ kỹ sẽ thấy nhiều chuyện. Không phải DN vô tư khi bỏ khoản tiền lớn để mua xe mang tặng.
Vì thế, cần thanh tra các dự án đẻ ra theo nhiệm kỳ, sẽ thấy việc quản lý quy hoạch vì sao bị nắn vuốt, vì sao bị “gọt chân cho vừa giày”. Thí dụ, chuyện cổ phần hóa ở Hãng Phim truyện Việt Nam ở Hà Nội mấy ngày qua cũng vì DN nhắm đến khu đất vàng nhiều hơn là làm phim. Hay việc loạn xạ đầu tư vào bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng cũng bởi đất vàng, địa thế bạc. Ngay cả ý tưởng xây cao ốc 40-70 tầng ở khu ga Hà Nội nhìn thấu đáo cũng chẳng có gì khác là mượn quy hoạch để moi ruột những khu đất vàng.
Vấn đề cấp thiết là cần có ngay toa thuốc đặc trị bệnh tư duy nhiệm kỳ đang biến tướng không cần biết vốn liếng sẽ thu xếp từ đâu. Theo đó, để góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chọn dự án đầu tư có hiệu quả theo những tiêu chí cụ thể, minh bạch hơn, đặc biệt phải chấm dứt ngay kiểu đầu tư ngẫu hứng theo tư duy nhiệm kỳ.