Cổ phiếu Nvidia trượt dốc trong khi lạm phát dai dẳng
Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite mất 2.05% còn 15,282.01 điểm, chỉ số S&P 500 sụt 0.88% xuống 4,967.23 điểm, rớt mốc 5,000 điểm. Cả 2 chỉ số này đều đã giảm 6 phiên liên tiếp, chứng kiến chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2022.
Trong khi, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 211.02 điểm, tương đương 0.56%, lên 37,986.40 điểm, được hỗ trợ bởi đà tăng hơn 6% của cổ phiếu American Express sau báo cáo lợi nhuận.
Cổ phiếu Netflix bốc hơi hơn 9% ngay cả sau khi kết quả doanh thu và lợi nhuận quý 1 đều vượt kỳ vọng. Số lượng người đăng ký của kênh phát trực tiếp này đã tăng 16% so với năm trước nhưng cho biết sẽ không báo cáo tư cách thành viên trả phí nữa kể từ năm 2025.
Các cổ phiếu con chip cũng chịu áp lực ngày càng tăng trong phiên buổi chiều, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chuyển mạnh ra khỏi ngành dẫn đầu thị trường leo dốc. Cổ phiếu Nvidia sụt 10%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Cổ phiếu Super Micro Computer lao dốc hơn 23%.
Trong khi lĩnh vực công nghệ gây áp lực suy giảm trên thị trường, những lo ngại của nhà đầu tư về sự leo thang xung đột ở Trung Đông sau cuộc tấn công hạn chế của Israel vào Iran dường như phần lớn đã bị thổi bay vào thời điểm mở phiên ngày thứ Sáu.
Giá dầu tích tắc tăng vọt hơn 3%, nhưng trồi sụt trong vài giờ kể từ đó. Hợp đồng Dow Jones tương lai có thời điểm sụt hơn 500 điểm chỉ sau một đêm trong bối cảnh lo ngại cuộc tấn công đủ để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.
Tuần này, S&P 500 chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng xung quanh lạm phát và chính sách tiền tệ.
Với mức giảm hơn 3%, đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của S&P 500. Một phần áp lực suy giảm đến từ các cổ phiếu công nghệ, khi lĩnh vực này có kết quả tệ nhất trong S&P 500 trong phiên lẫn trong tuần.
S&P 500 hiện giảm hơn 5% so với mức đỉnh 52 tuần, một phần của đà lao dốc thị trường chủ yếu được thúc đẩy bởi kỳ vọng giảm bớt về việc hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Các chuyên gia kinh tế và chiến lược gia hiện cho rằng Fed sẽ đợi ít nhất đến tháng 9 để hạ lãi suất.
Nasdaq Composite đã mất 5.5% trong tuần này, đồng thời, ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 12/2022. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của Nasdaq Composite kể từ tháng 11/2022.
Với đà tăng vào phiên thứ Sáu, Dow Jones đã nhích 0.01% từ đầu tuần đến nay. Đây là tuần tăng đầu tiên của Dow Jones 3 tuần vừa qua.
Dầu giảm mạnh trong tuần qua
Hợp đồng dầu WTI và dầu Brent lần lượt mất 3% và 3.4% trong tuần này, xoá sạch mức tăng đạt được khi nhà đầu tư lo ngại rằng Israel và Iran đang trên bờ vực của một cuộc chiến.
Tâm lý thị trường đã chuyển từ sợ hãi sang nhẹ nhõm trong tuần này, sau khi Israel và các đồng minh do Mỹ dẫn đầu đã ngăn chặn cuộc tấn công của Iran vào Israel vào cuối tuần trước. Chính phủ Netanyahu dường như đã chịu khuất phục trước áp lực quốc tế để tránh leo thang, chờ đợi nhiều ngày để trả đũa và cuối cùng tiến hành một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Iran vào thứ Sáu (19/04).
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI tiến 0.5% lên 83.14 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 0.21% lên 87.29 USD/thùng. Hai hợp đồng này phần lớn đã xoá bỏ phần bù rủi ro được tính vào giá sau khi Israel tấn công toà nhà ngoại giao của Iran ở Syria vào đầu tháng, sự kiện gây ra đợt xung đột hiện nay.
Cuộc tấn công trả đũa của Israel vào ngày thứ Sáu rất im ắng và được tính toán cẩn thận bằng cách sử dụng các gói thuốc nổ nhỏ và máy bay không người lái thay vì máy bay có người lái. Do đó, các chuyên gia phân tích cho rằng chu kỳ leo thang xung đột giữa Israel và Iran đã kết thúc, ít nhất là cho đến khi có các cuộc tấn công trực tiếp chống lại nhau.
Nhìn chung, vẫn còn quá sớm để để xác định điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với thị trường trong cuộc chiến tranh Trung Đông ngày càng mở rộng là việc xuất khẩu dầu từ Vịnh Ba Tư sẽ bị cắt đứt. Khu vực này chịu trách nhiệm vận chuyển hơn 20 triệu thùng dầu/ngày.
Sự gián đoạn hoặc đóng cửa eo biển Hormuz, một điểm nghẽn quan trọng nằm giữa Oman và Iran, nơi 20% sản lượng dầu toàn cầu lưu chuyển mỗi ngày, cũng sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn.
Sự gián đoạn ở Hormuz sẽ rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới, có khả năng đẩy giá dầu lên mức 3 con số, và dẫn đến sự phá huỷ nhu cầu dầu.