Công nghiệp bảo mật hậu NSA (K2): Độc lập công nghệ số

Khi niềm tin đối với đồng minh thân cận nhất là Hoa Kỳ đã mất, các đại gia công nghệ ở châu Âu kêu gọi “tự lập” về công nghệ số, ít nhất là trong quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến tính mở của internet.

Khi niềm tin đối với đồng minh thân cận nhất là Hoa Kỳ đã mất, các đại gia công nghệ ở châu Âu kêu gọi “tự lập” về công nghệ số, ít nhất là trong quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến tính mở của internet.

Công nghiệp bảo mật hậu NSA (K1): Xa lánh Hoa Kỳ

Thiệt hại 180 tỷ USD

Những tiết lộ của Snowden đã mang lại áp lực rất lớn cho các nhà công nghệ thông tin Hoa Kỳ. Những công ty vốn luôn tỏ ra mạnh mẽ và kiêu ngạo, nay đang lo sợ người dùng có thể rời bỏ họ để đến với những công ty của nước khác.

Theo nhà phân tích thị trường James Staten của Forrester Research, các công ty Hoa Kỳ có thể mất tới 180 tỷ USD doanh thu cho đến năm 2016 do đánh mất niềm tin khách hàng. Dấu hiệu rắc rối đầu tiên có thể nhìn thấy trên bảng cân đối của các đại gia.

Cả IBM và Cisco đều có doanh số bán hàng ở nước ngoài bị sa sút, đặc biệt tại Trung Quốc. Trong khi đó, Google và Facebook đang cầu xin chính quyền Washington hỗ trợ để có thể kiểm soát việc thu thập dữ liệu của các cơ quan tình báo nhiều hơn. Microsoft cũng gây chú ý khi thông báo bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos năm ngoái rằng khách hàng nước ngoài trong tương lai có thể lưu trữ dữ liệu của họ trên trung tâm dữ liệu Microsoft tại nơi họ sinh sống.

Hiện nay, các khách hàng châu Âu đã có thể sử dụng các đám mây địa phương trong trung tâm dữ liệu đặt tại Hà Lan và Ireland, nhưng hầu hết người dùng vẫn chưa biết dịch vụ này.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo về xu hướng “Balkan hóa internet” ở châu Âu, đồng thời nghi ngờ liệu chỉ lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ địa phương có thực sự an toàn trước tình báo Hoa Kỳ. Thí dụ, Microsoft có trụ sở chính tại Redmond (Hoa Kỳ), nên phải chấp hành pháp luật Hoa Kỳ và phải bí mật chuyển dữ liệu cho tình báo nước này trong một số trường hợp.

Vì vậy, các đại gia công nghệ ở châu Âu như Deutsche Telekom (Đức) khuyến nghị dữ liệu chỉ được xử lý trong châu Âu ở mức độ tối đa. Nhưng Ủy viên châu Âu về Chương trình nghị sự kỹ thuật số Neelie Kroes tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này. “Chứa dữ liệu hoàn toàn trong phạm vi châu Âu là điều thiếu thực tế. Bạn không thể đặt kiểm soát biên giới bởi điều đó sẽ phá hủy sự cởi mở của internet” - bà Kroes nói.

Cơ hội cho các công ty mới

Bà Kroes nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện về chất đối với việc bảo vệ dữ liệu trong khuôn khổ của Đối tác Đám mây châu Âu (ECP), trong bối cảnh ngày càng có nhiều áp lực kêu gọi châu Âu phải nỗ lực thiết lập một thị trường kỹ thuật số điện toán đám mây.

Bà muốn buộc tất cả công ty hoạt động ở châu Âu phải báo cáo các vi phạm dữ liệu, có thể là do tin tặc hoặc từ các cơ quan chính phủ. Điều này sẽ là một phần của Chỉ thị An ninh Mạng (NSD). Mỗi quốc gia sẽ được yêu cầu tạo ra một nền tảng đáng tin cậy nơi các vi phạm dữ liệu phải được các công ty báo cáo.

Đề xuất này có thể đe dọa các công ty ở Hoa Kỳ, nhưng lại là cơ hội cho các công ty công nghệ ở châu Âu. “Hiệu ứng Snowden là có thật. Nhiều công ty cỡ vừa thường dùng điện toán đám mây để quản lý thông tin hiện đang rất quan tâm đến việc tái lập chủ quyền kỹ thuật số” - theo Ali Jelveh, đồng sáng lập của Công ty Protonet.

Vì rất khó thu hút đầu tư mạo hiểm ở Đức, Jelveh đã yêu cầu hỗ trợ bằng cách sử dụng nền tảng huy động vốn từ đám đông và đã thành công ngoài mong đợi. Ông huy động được 200.000EUR chỉ trong 48 phút. Ngay sau đó, ông có kế hoạch mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ. Ở Berlin, Protonet là một trong số những công ty internet ít được biết tới, như Secunet, G-Data, Boxcryptor, Secomba...

Những đại gia công nghệ như Deutsche Telekom kêu gọi châu Âu nên “độc lập kỹ thuật số” để bảo vệ người dùng internet trước các nguy cơ tình báo.

Những đại gia công nghệ như Deutsche Telekom kêu gọi châu Âu nên
“độc lập kỹ thuật số” để bảo vệ người dùng internet trước các nguy cơ tình báo.

Đáng chú ý, mới đây một công ty được thành lập là Posteo có trụ sở tại Berlin với 9 nhân viên, chuyên cung cấp một dịch vụ mã hóa email. Thế mạnh của công ty sinh sau đẻ muộn này là dịch vụ mã hóa của họ rất dễ sử dụng, nên đã nhận được điểm số cao nhất từ các đánh giá trực tuyến. Kể từ khi Snowden tiết lộ chương trình do thám của NSA, số tài khoản tại công ty đã tăng gấp 4 lần.

“Bê bối của NSA là giọt nước cuối cùng” - Daniel Hundmaier, một giám đốc công ty ở Berlin, nói. Kể từ sau vụ bê bối bị phanh phui, ông đã chuyển sang dùng dịch vụ của Posteo, không dùng cỗ máy tìm kiếm của Google và cũng đổi hệ điều hành điện thoại của mình. Khi những khách hàng ở châu Âu như Hundmaier chú ý hơn đến an ninh mạng, họ cố tránh các công ty Hoa Kỳ như Google, Amazon.com Inc. và Yahoo! Inc...

Dù những công ty như Protonet hay Posteo chỉ thuộc loại nhỏ và dễ tổn thương, chúng có cơ hội trở thành những “tay chơi” lớn hơn nhờ hiệu ứng Snowden. Trước đây, khi kêu gọi đấu thầu cơ sở hạ tầng bảo mật cho cơ quan chính phủ, các nhà chức trách nhắm đến những công ty lớn, thường là của Hoa Kỳ. Nhưng các chính trị gia hiện nay cho biết họ muốn thay đổi điều đó.

Brigitte Zypries của đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), người chịu trách nhiệm về kinh tế kỹ thuật số của Bộ Kinh tế Đức, đang đề xuất các dự án internet mới cho tất cả cơ quan chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải đã được trao trách nhiệm mở rộng cơ sở hạ tầng internet.

Ngoài Zypries và Dobrindt, Bộ trưởng Nội vụ de Maizière cũng rất quan tâm đến việc cải thiện hạ tầng internet để bảo đảm an ninh quốc gia. Và cùng với bê bối NSA, các đối tác những kế hoạch này nhắm đến đều là các công ty ở trong nước.

Các tin khác