Thời gian qua, Chính phủ và chính quyền các cấp đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, đến thời điểm này ngành CNHT Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và chiến lược nội địa hóa sản phẩm. Thực trạng này một lần nữa được các DN và nhà quản lý đưa ra thảo luận tại cuộc “Gặp gỡ nhà cung cấp và thu hút đầu tư CNHT và công nghệ cao (CNC)”, tổ chức tại TPHCM vừa qua.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết năm nay Intel cần tìm kiếm gần 10 nhà cung ứng nội địa nhằm cung cấp các sản phẩm trực tiếp. “Tại Việt Nam, chúng tôi có 94 nhà cung cấp nội địa, trong đó 20 nhà cung cấp nội địa cung cấp được các sản phẩm trực tiếp. Nhưng với việc tăng cường năng lực và quy mô sản xuất, chúng tôi muốn tìm thêm các nhà cung cấp nội địa có tầm nhìn dài hạn” - bà Sherry Boger chia sẻ.
Theo ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty Datalogic Việt Nam, tỷ lệ nguyên vật liệu Datalogic mua từ những nhà cung cấp nội địa rất thấp so với nhu cầu, chiếm dưới 4% tổng giá trị nguyên vật liệu sử dụng, và có giá trị thấp, chủ yếu là bao bì đóng gói, linh kiện nhựa đơn giản. “Dù vậy, chúng tôi vẫn tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từ nay tới 2017 phải đạt được 10%” - ông Phát nói.
Cũng theo ông Phát, một vấn đề nữa công ty ông đang gặp phải trong việc đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên vật liệu trong nước là nhà cung cấp nội địa không đáp ứng được các yêu cầu của DN do chất lượng không ổn định; công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống quản lý chất lượng chưa hiệu quả và chỉ mang tính hình thức và đối phó; giá cả chưa thể cạnh tranh với các nhà cung cấp ở nước ngoài kể cả khi cộng thêm chi phí vận chuyển từ nước ngoài về.
Ông Kazuhiko Osata, Giám đốc lĩnh vực đầu tư Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TPHCM, cho biết các công ty Nhật Bản đang làm việc tại Việt Nam có tới 60% chi phí sản xuất là thu mua nguyên vật liệu. Vì vậy, nếu mua được của các công ty trong nước của Việt Nam sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Do đó, để phát triển lĩnh vực cung ứng nội địa, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài chưa đủ, mà Chính phủ cần hỗ trợ các DN địa phương, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ để cải thiện năng lực các DN này.
Ưu đãi đầu tư CNHT
Theo Quyết định 842/QÐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp CNC đến năm 2020”, giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC đạt khoảng 45% tổng GDP, với tỷ lệ sản xuất trong nước chiếm khoảng 50% giá trị sản phẩm.
Và để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu (XK) của TPHCM cũng xác định: đến 2015, giá trị sản phẩm CNC, dịch vụ CNC, sản phẩm ứng dụng CNC chiếm 40% GDP thành phố, đồng thời tập trung nâng tỷ trọng cơ cấu hàng XK các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng CNC.
Tại Khu CNC TPHCM (SHTP), nhiều DN cho biết đang có nhu cầu cung cấp sản phẩm CNHT như: linh phụ kiện, linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị (thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời); khuôn mẫu cho chi tiết nhựa với độ chính xác cao; linh phụ kiện điện, điện tử (bo mạch in, dây cáp, các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao như đai ốc, bu lông, ốc vít); trang phục phòng sạch (bao tay, mặt nạ, áo); hóa chất; bao bì; dụng cụ phụ tùng cầm tay…
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban SHTP, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp chỉ mới chiếm 20%, 80% còn lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Riêng đối với nhóm ngành CNC, theo thống kê của SHTP, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nữa và hầu hết nguyên vật liệu là nhập khẩu. Đối với ngành cơ khí chế tạo, hàng năm nhập một lượng lớn linh kiện, phụ tùng, với tổng giá trị nhập khẩu gần 3 tỷ USD từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức...
Các DN CNC trong SHTP đã ý thức được tầm quan trọng của việc nội địa hóa nguồn cung ứng nên đã ưu tiên nhiều hơn để tìm kiếm các đối tác trong nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu nội địa hóa hiện chủ yếu đáp ứng cho các sản phẩm đơn giản như bao bì, khay nhựa, trong khi các chi tiết máy phức tạp hơn, yêu cầu độ chính xác cao vẫn đang thiếu nguồn cung.
“Nhà nước đã có các chính sách ưu đãi cho DN trong lĩnh vực CNHT, nhưng một số chính sách vẫn chưa đáp ứng đầy đủ cho DN. Về lâu dài, vẫn cần thêm nhiều hỗ trợ mang tính định hướng và đột phá để tạo điều kiện phát triển CNHT tại Việt Nam” - một lãnh đạo của SHTP, chia sẻ.
![]() |
Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích CNHT cho các công ty CNC. |
Nhằm thu hút DN đầu tư dự án sản xuất sản phẩm CNHT vào SHTP trong thời gian tới, ban quản lý SHTP cho biết sẽ có cơ chế chính sách ưu đãi (thuế, giá thuê đất, hỗ trợ vay ưu đãi, thủ tục một cửa, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ thông tin) cho các dự án đầu tư mới và đầu tư bổ sung sản xuất sản phẩm: vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Chẳng hạn, DN sản xuất sản phẩm CNHT cho sản phẩm CNC được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm. Trong đó, 4 năm đầu 0%, 9 năm tiếp theo 5%, 2 năm cuối 10%, thuế suất 22% trong thời gian còn lại.