Công nghiệp phụ trợ: Thiếu quy hoạch, định hướng

TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam đang có nhiều hoạt động xúc tiến, thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT). Hiện có nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để quy hoạch phát triển ngành CNPT cần dựa trên lợi thế tốt nhất của địa phương, nâng tầm cả về quy mô sản lượng lẫn chất lượng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam đang có nhiều hoạt động xúc tiến, thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT). Hiện có nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để quy hoạch phát triển ngành CNPT cần dựa trên lợi thế tốt nhất của địa phương, nâng tầm cả về quy mô sản lượng lẫn chất lượng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Manh mún, nhỏ lẻ

Tại TPHCM, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) vừa trình UBND TPHCM xem xét dự án xây dựng khu công nghiệp 300ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi để thu hút các DN sản xuất các sản phẩm CNPT.

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động sẽ ưu tiên thu hút các DN CNPT ngành cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, nhựa, cao su, sản xuất - lắp ráp ô tô và da giày.

CNPT phải tính và chọn lọc hơn so với các ngành công nghiệp khai thác và lắp ráp. Công nghiệp khai thác chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, công nghiệp lắp ráp chỉ cần đào tạo trình độ sơ cấp cho người lao động. Nhưng CNPT là ngành kết tinh của sự sáng tạo, khéo léo ở trình độ cao với công nghệ tối tân để làm ra sản phẩm, đòi hỏi lao động trình độ kỹ thuật cao, phải được đào tạo chuyên sâu và nghiêm túc.

PGS.TS PHAN ĐĂNG TUẤT,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp

Thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trên địa bàn tỉnh có 79 dự án của ngành CNPT, với tổng vốn đầu tư hơn 781 triệu USD.

Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Chủ trương của tỉnh ưu tiên tập trung phát triển các ngành CNPT như sản xuất khuôn mẫu chất lượng cao, linh kiện ngành ô tô, xe máy, điện tử gia dụng, sản xuất thiết bị, linh kiện phục vụ khai thác và chế biến dầu khí; thép chế tạo, công nghiệp tàu thủy, công nghiệp điện tử - tin học, công nghiệp nhựa - hóa dầu… Tuy nhiên, đa số sản phẩm chỉ đáp ứng được tỷ lệ nhỏ nhu cầu thay thế hàng nhập khẩu, chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu để cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia”.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cũng thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu như sản xuất cúc áo, đế giày, vải sợi…

Tuy nhiên, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận mức độ đầu tư còn nhỏ nên không đáp ứng nhu cầu, việc sắp xếp các nhà máy sản xuất gặp nhiều bất cập và chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi. Đây là nguyên nhân  khó thu hút được nhà đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực này.

Được biết, từ nay đến quý I-2013 dự kiến liên doanh Sojizt, Kobelco Eco, Daiwa và Donafoods sẽ đầu tư 45 triệu USD nhằm hoàn thiện hạ tầng 140ha giai đoạn 1 của dự án Khu công nghiệp Long Đức - (Long Thành, Đồng Nai)  để đáp ứng yêu cầu khá cao của đối tượng khu công nghiệp này nhắm đến là các DN Nhật Bản trong lĩnh vực CNPT, cơ khí chính xác...

Dưới góc độ nhà đầu tư hạ tầng, ông Phạm Nhật Hạnh, Giám đốc Khu công nghiệp Long Đức, cho biết: “Đặc trưng của các nhà đầu tư Nhật Bản là tìm hiểu rất kỹ cơ sở hạ tầng ngoài khu công nghiệp như khu dân cư, thương mại, nguồn điện, nhân lực có trình độ tay nghề cao... Vì thế hạ tầng khu công nghiệp phải chuẩn, đáp ứng tốt nhất các đòi hỏi này”.

 Cần hỗ trợ

Có thể thấy, những ngành công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, ô tô, xe máy... ở nước ta đang phát triển khá chậm, trong đó nguyên nhân chính cản trở sự phát triển này là tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNPT chưa cao. Đơn cử, dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đem về hơn chục tỷ USD.

Thế nhưng, thực tế đáng buồn là ngành dệt may hiện nay vẫn phải nhập gần 80% nguyên phụ liệu, linh kiện, thậm chí những thứ đơn giản hoàn toàn có khả năng sản xuất trong nước như khuy, cúc, chỉ, sợi… cũng nhập đại trà từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ngành dệt may hầu như phó thác CNPT cho nước ngoài. Ảnh: LÃ ANH

Ngành dệt may hầu như phó thác CNPT cho nước ngoài. Ảnh: LÃ ANH

Ông Lê Minh Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Phương Nam, nói: “Ngành dệt may nước ta vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường nguyên phụ liệu nước ngoài. Như công ty chúng tôi chuyên sản xuất hàng túi xách thời trang xuất khẩu sang Hàn Quốc, trong khi gần 90% vải phải nhập từ Trung Quốc.

Ngoài ra, dây kéo, dây đai, viền, khuy, chỉ… phải lấy từ Hàn Quốc hay Đài Loan. Những thứ này bây giờ đã được nội địa hóa dần nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, song về chất lượng, mẫu mã chưa nhiều và giá thành còn quá cao do công nghệ lạc hậu”.

Phát triển CNPT sẽ là động lực lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp nước ta hiện nay. Song khi đi vào thực tế ở một số địa phương, việc thu hút các nhà đầu tư vào CNPT vẫn còn mơ hồ, nhất là trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ tích cực hơn nữa, tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ và giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh. Ông Đinh Quốc Thái cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh thành lập một số khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất sản phẩm CNPT từ những khu công nghiệp đã có trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ cho phép các khu công nghiệp này được hưởng chính sách ưu đãi vốn vay đầu tư, thuế và tiền thuê đất...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng phát triển CNPT tại Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa, song cũng cần lưu ý rằng ngành công nghiệp này đòi hỏi nhiều thời gian và vốn đầu tư ban đầu khá lớn.

Trên thế giới mới chỉ có 3 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức đủ khả năng cung ứng mọi thiết bị, chi tiết phụ trợ cho các ngành công nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy sản phẩm của CNPT không thể sản xuất đại trà, mà cả bên mua và bên bán cần tìm được tiếng nói chung về giá cả, số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng. 

Các tin khác