Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Việt Thắng, cho hay có 350 công nhân trong tổng số hơn 1.000 lao động đồng ý ở lại nhà máy. Ngoài việc đảm bảo chỗ ăn nghỉ cho ngần ấy người, thì khó khăn nhất của công ty là thuyết phục công nhân ở lại nhà máy khi dịch bùng phát. Bởi phần lớn lao động của công ty đều là nữ, có con nhỏ, cha mẹ già nên việc xa gia đình ít nhất 2 tuần không hề dễ dàng.
Nhà máy hỗ trợ mỗi người một triệu đồng, đảm bảo nơi ăn nghỉ, phủ wifi ở khu lưu trú để người lao động giải trí, tiện liên lạc với gia đình sau giờ làm. Toàn bộ công nhân hàng tuần được xét nghiệm Covid-19.
Cách nhà máy Việt Thắng hơn 40 km, anh Nguyễn Dũng, 36 tuổi, làm ở Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh), dần quen nếp sinh hoạt mới sau một tuần ăn ở, làm việc tại chỗ. Nửa tháng trước, khi nhà máy đưa ra kế hoạch "vừa sản xuất, vừa cách ly", ban đầu anh tính xin tạm nghỉ, vì không sắp xếp được công việc gia đình. Vợ đi làm ở công ty cách xa nhà, nếu anh phải ở lại nhà máy sẽ không ai chăm sóc con nhỏ 4 tuổi.
Tuy nhiên, sau khi được vận động anh Dũng cùng khoảng 600 lao động đồng ý ở lại để bảo đảm nhà máy duy trì sản xuất. Từ hôm chuyển vào ăn ở tại xưởng, mỗi ngày vợ anh phải chở con gái đến công ty.
Trước đó để phòng chống dịch, UBND thành phố yêu cầu từ ngày 15-7, các doanh nghiệp sản xuất phải bố trí công nhân ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy, nếu không phải dừng hoạt động. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải tổ chức nơi ăn nghỉ cho số lượng lớn công nhân đồng ý ở lại nhà máy.
Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) Nguyễn Văn Bé cho hay, trong ngày đầu tiên áp dụng, khảo sát tại 5 khu công nghiệp lớn có hơn 350 nhà máy đăng ký, nhưng lúng túng về chỗ ở.
"Các nhà máy ở Khu công nghệ cao thuê hết khách sạn ở quận 1 và TP Thủ Đức nhưng không đủ chỗ", ông Bé nói và đưa ra ví dụ nhà máy Datalogic tổ chức ăn ở tại chỗ cho 150 công nhân, phải gửi 150 công nhân lưu trú tại 5 khách sạn lớn nhỏ khác nhau.
Tương tự, nhà máy Intel, Jabil Việt Nam phải bố trí 1.000 công nhân ở tại nhiều khách sạn ở quận 1, TP Thủ Đức và quận Phú Nhuận. Sonion Việt Nam chỉ giữ lại 30 công nhân ở tại chỗ và bố trí 430 người khác sống tại khách sạn ở quận 1. Việc này sẽ khó đáp ứng được quy định "một cung đường 2 địa điểm" như thành phố đưa ra, bởi các nhà máy phải thuê nhiều khách sạn ở các điểm khác nhau.
Chủ tịch HBA cho hay chi phí phát sinh khi thực hiện phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly" rất lớn, nhưng các nhà máy vẫn cố gắng duy trì vì nếu dừng hoạt động nhà máy sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất. Do đó về lâu dài thành phố muốn thực hiện được "mục tiêu kép" cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê hoặc sử dụng các mặt bằng do nhà nước quản lý để xây khu lưu trú cho công nhân.
TPHCM hiện có 1,6 triệu lao động làm việc tại các nhà máy. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố ghi nhận hơn 1.800 ca, khu công nghệ cao gần 800 ca... Đến trưa 15-7, thông tin từ Liên đoàn lao động TPHCM, có 165 nhà máy bố trí được cho gần 9.000 công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ.
Nhiều nhà máy lớn không đảm bảo được theo yêu cầu mà chính quyền thành phố đưa ra phải tạm dừng hoạt động.