Những nỗ lực kiểm soát dịch COVID- 19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thành phố đang chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron.
Đây là nội dung chính được đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại cuộc họp báo ngày 4/1.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong những tuần gần đây, các chỉ số quan trọng trong công tác phòng chống dịch bao gồm số ca mắc mới, số ca tử vong, số ca nhập viện đều giảm sâu, cho thấy công tác kiểm soát dịch của thành phố đã đạt được hiệu quả tích cực.
Cụ thể, trong tuần cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 4.087 ca mắc mới, giảm sâu so với những tuần trước. Số ca tử vong giảm liên tục từ 40 ca (28/12/2021) xuống 33 ca ngày (1/1/2022) và 26 ca trong ngày 3/1. Số ca nhập viện mới ngày càng giảm, trung bình từ 700-800 ca/ ngày xuống khoảng 300 ca/ngày, số ca xuất viện mỗi ngày luôn lớn hơn số ca nhập viện.
Theo ông Phạm Đức Hải, đánh giá cấp độ dịch toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 nhưng chỉ còn 6/22 quận huyện vùng vàng, 16 quận/huyện còn lại đều đạt cấp 1 là vùng xanh. Điển hình nhất là quận Bình Tân, từ quận có diễn biến dịch phức tạp đã được xanh hóa và giữ vững cấp độ trong hơn 2 tuần qua.
Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch tại địa bàn, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân cho biết: Bình Tân từng là "điểm nóng" về lây nhiễm cộng đồng. Từ đầu tháng 12/2021, tình hình chuyển biến khả quan, số ca mắc mới giảm sâu, từ 16/12 đến nay quận được công nhận là vùng xanh. Trong tuần qua, số ca mắc mới trung bình 32 ca/ngày, riêng ngày 3/1 chỉ còn 9 ca. Bên cạnh đó, số ca bệnh nặng, tử vong cũng giảm sâu.
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, những con số trên là kết quả của hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, quyết liệt bao gồm tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân; củng cố hệ thống chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; huy động các bệnh viện tư, phòng khám tư tham gia công tác phòng, chống dịch...
Hiện nay, dù tình hình được kiểm soát nhưng quận Bình Tân vẫn duy trì 22 trạm y tế lưu động, 130 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, hỗ trợ kịp thời các gói thuốc điều trị cho F0 tại nhà. Mỗi phường cũng chuẩn bị 1-2 xe cấp cứu, sẵn sàng vận chuyển các ca bệnh nặng cần chuyển viện. Quận cũng phấn đấu hoàn thành tiêm vaccine mũi 3 trong quý 1, tổ chức đội tiêm tận nhà cho người lớn tuổi, người có bệnh nền...
Liên quan đến biến chủng Omicron, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 ca nhiễm biến chủng Omicron, đều là các trường hợp nhập cảnh. Ngoài 5 ca đã công bố trước đó, ca thứ 6 là tiếp viên của hãng hàng không Quatar, được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay khi nhập cảnh.
Các biện pháp điều tra, truy vết các trường hợp liên quan 6 trường hợp này đã được thực hiện và chưa phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới. Về giám sát tại cộng đồng, hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, từ trước khi phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch ứng phó theo từng kịch bản với quy trình kiểm soát rất chặt chẽ đối với người nhập cảnh qua các cửa khẩu cả đường biển và đường hàng không.
Thành phố cũng chuẩn bị khu cách ly, riêng đối với các trường hợp nhâp cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 chờ kết quả giải trình tự gene. Với trường hợp cho kết quả giải trình tự gene là chủng Omicron sẽ được chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị. Với sự chuẩn bị trước nên những ngày qua ngành y tế Thành phố đã xử lý các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron với tâm thế chủ động.
Tính đến 18 giờ ngày 3/1/2022, có 505.515 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 504.900 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 615 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 5.864 bệnh nhân, trong đó có 113 trẻ em dưới 16 tuổi, 338 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 3/1, 407 bệnh nhân nhập viện, 433 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 309.438 người).