Lỗ “kinh hoàng”
Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 50 doanh nghiệp (DN) niêm yết báo lỗ trong quý II vừa qua, trong đó có gần 20 DN lỗ trên 100 tỷ đồng. Điều bất ngờ là danh sách các DN thua lỗ có sự góp mặt của hàng loạt CTCK, và đây đều là những DN ghi nhận lợi nhuận đột biến trong các quý trước đó.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế của Top 30 CTCK hàng đầu chỉ còn khoảng 3.300 tỷ đồng, tức đã giảm 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn khoảng 5.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục của quý IV-2021.
Đơn cử là CTCK Rồng Việt (VDS) với lãi ròng quý II-2021 đạt gần 150 tỷ đồng, nhưng ở quý II vừa qua bất ngờ báo lỗ gần 234 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm VDS lỗ ròng sau thuế 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 247 tỷ đồng.
Tương tự, báo cáo tài chính vừa được CTCK APEC (APS) công bố cũng ghi nhận con số “kinh hoàng” với cổ đông: chỉ riêng trong quý II APS lỗ ròng gần 363 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. CTCK Tiên Phong (ORS), một thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank, cũng công bố kết quả kinh doanh quý II hết sức tiêu cực dù doanh thu tăng mạnh.
Cụ thể, doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 660 tỷ đồng (tăng 132%), nhưng lợi nhuận ròng của ORS lại âm gần 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 54 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ kỷ lục nhất của DN này kể từ khi niêm yết trên TTCK.
“Ngã ngựa” tự doanh
Hầu hết các CTCK thua lỗ ngoài sự sụt giảm doanh thu môi giới, thì nguyên chính là khoản lỗ tự doanh. Đơn cử APS đã cắt lỗ các mã CP có tính chất đầu cơ như: IDJ, NBB, TCH, ATT, PHC, CEO. Không chỉ thua lỗ CP niêm yết, APS còn lỗ nặng khi đầu tư vào CP chưa niêm yết là Thép Đình Vũ.
Trong khi đó, ORS đã cắt lỗ loạt CP và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng. Trong quý II, ORS đã cắt lỗ loạt CP niêm yết với giá trị hơn 87 tỷ đồng, cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 280 tỷ đồng.
Theo đại diện ORS, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí tăng cao chủ yếu từ hoạt động tự doanh bị ảnh hưởng từ việc VN Index giảm mạnh. Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc APS, thừa nhận kết quả kinh doanh “thụt lùi” phần lớn do hoạt động tự doanh.
Với giải trình tương tự, Phó Tổng giám đốc VDS Lê Minh Hiền, cho rằng diễn biến TTCK không thuận lợi đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới.
Việc VDS thua lỗ có phần bất ngờ bởi danh mục tự doanh của CTCK này phần lớn là những mã CP cơ bản như: CTG, TCB, DBC. Đây cũng là tình trạng chung của các CTCK lớn như CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK TPHCM (HCM), CTCK Bản Việt (VCI). Các CTCK này may mắn không thua lỗ nhờ duy trì được doanh thu môi giới, nhưng lợi nhuận cũng có dấu hiệu “hụt hơi” vì mảng tự doanh của CTCK dù danh mục đầu tư phần lớn là CP cơ bản.
Bài học không cũ
Nếu các CTCK nội “lao đao” vì hoạt động tự doanh, thì các CTCK ngoại vẫn sống khỏe bất chấp diễn biến tiêu cực của thị trường chung. Điển hình là CTCK KB Việt Nam (KBSV) với lợi nhuận sau thuế đạt gần 76 tỷ đồng (tăng 21%). Kết quả kinh doanh khả quan của KBSV có được là nhờ doanh thu từ mảng cho vay margin tăng cao. Mặt khác, việc hoàn tất tăng vốn điều lệ cũng giúp DN có nguồn vốn dồi dào phục vụ hoạt động kinh doanh.
Tương tự, CTCK Mirae Asset (MAS) cũng là CTCK ngoại ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II. Theo đó, mảng kinh doanh chủ lực là cho vay margin duy trì tăng trưởng tốt cộng với nguồn thu từ mảng đầu tư giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 88% so với cùng kỳ. Đây là yếu tố giúp MAS báo lãi trước thuế tăng 11% lên 239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 30% lên 195 tỷ đồng.
Mức độ phân hóa lợi nhuận khi thị trường giảm sâu phần nào cho thấy sự căn cơ trong hướng đi của các CTCK ngoại so với các CTCK nội. Nếu CTCK nội tập trung nguồn lực vào mảng tự doanh, thì các CTCK ngoại lại hướng đến yếu tố chất lượng dịch vụ. Trong ngắn hạn, các CTCK ngoại có thể sẽ bị bỏ rơi về lợi nhuận, nhưng về dài hạn hướng đi của các CTCK ngoại lại tỏ ra hiệu quả hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường không thuận lợi.
Trong quá khứ, nhiều CTCK nội từng nếm “trái đắng” từ mảng tự doanh dẫn đến phá sản hoặc “bán mình” cho CTCK ngoại. Dẫn chứng là ORS trước khi “về tay” TPBank, đã từng bị UBCKNN đình chỉ mảng tự doanh do thua lỗ 2 năm liên tiếp.
Có thể nói, kết quả kinh doanh của các CTCK ngoại chính là “hồi chuông” cảnh tỉnh cho các CTCK nội đang coi trọng mảng tự doanh. Điều đáng nói là mảng tự doanh bị giới đầu tư nghi ngờ về tính minh bạch khi cạnh tranh trực tiếp với khách hàng.
Thực tế, với tiềm lực tài chính hùng hậu, các CTCK ngoại đua nhau tăng vốn lên hàng ngàn tỷ đồng và gây ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ với các CTCK nội trên mọi phương diện, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay margin. Riêng trong quý II vừa qua, có 3 CTCK ngoại xuất hiện trong Top 10 dư nợ và đều là các CTCK của Hàn Quốc.
Dù giá đã tăng trở lại, nhưng NĐT nắm giữ CP CK khó hy vọng “về bờ”, bởi phần lớn mã CP thuộc nhóm ngành này đã giảm trung bình 50% sau đợt điều chỉnh gần đây. |