Nhiều F0 “đu đỉnh”
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18-11, rất nhiều NĐT đang sở hữu nhóm cổ phiếu (CP) thép lên các diễn đàn CK “xả” bức xúc vì trót nghe theo khuyến nghị của các CTCK mua vào ở mức giá đỉnh.
Một NĐT tên H.N cho biết đã lỗ hơn 15% với mã HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen), do tin vào báo cáo phân ngành thép trong quý IV được CTCK V. công bố với những dự báo cực kỳ lạc quan.
Theo CTCK này, sau thời gian bị tạm ngừng vì dịch bệnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy nhanh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản cũng sẽ được khởi động trở lại sau thời gian trì hoãn do ảnh hưởng giãn cách xã hội, cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm.
Đặc biệt, thị trường xuất khẩu và giá thép được dự báo sẽ giữ ở mức cao như hiện tại cho đến năm 2022, giúp cho các doanh nghiệp thép duy trì được tỷ suất lợi nhuận khủng.
Từ những nhận định khả quan trên, CTCK V. khuyến nghị NĐT giải ngân vào nhóm CP triển vọng nhất của ngành thép là HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát), NKG (CTCP Thép Nam Kim) và HSG với giá mục tiêu lần lượt 75.122 đồng/CP, 62.912 đồng/CP và 59.219 đồng/CP. Đáng chú ý, không chỉ có CTCK V. mà rất nhiều CTCK khác khuyến nghị NĐT F0 mua vào CP thép ở mức giá mục tiêu cao hơn 50% so với thị giá hiện tại.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 18-11, bộ 3 mã CP này là HPG, NGK và HSG giảm xuống chỉ còn 49.950 đồng/CP, 44.000 đồng/CP và 39.900 đồng/CP.
Cũng vì tin vào báo cáo phân tích của CTCK, anh H.H, một NĐT F0 vừa tham gia thị trường cách đây 2 tháng, đã mua vào mã CP VPB do các CTCK khuyến nghị với kỳ vọng khả quan về kết quả kinh doanh quý III. Theo anh H.H, số CP này được mua vào cách đây 1 tháng với mức giá 38.500 đồng/CP.
Cách đây 2 tuần anh H.H, đọc được báo cáo phân tích của CTCK M. khuyến nghị NĐT mua vào VPB với giá mục tiêu hơn 50.000 đồng/CP (cao hơn 40% so với thị giá). Thế nhưng, từ ngày CTCK M. công bố báo cáo đến nay, mã CP này vẫn cứ “lầm lũi” đi xuống và hiện chỉ giao dịch ở mức hơn 35.000 đồng/CP.
Điều khiến cho anh H.H thất vọng nhất chính là việc mã CP này liên tục bị bán ra với số lượng lớn và giảm giá, dù nhận được thông tin tích cực như: bán vốn cho NĐT chiến lược, kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tự doanh thắng lớn
Theo tìm hiểu của ĐTTC, mã CP VPB mà anh H.H đang nắm giữ bị bán ra khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, trong đó có khối lượng rất lớn từ bộ phận tự doanh của các CTCK.
Cụ thể, số lượng CP VPB bị tự doanh CTCK bán ra trong phiên giao dịch ngày 18-11 là 3 triệu đơn vị, phiên ngày 17-11 là 766.600 đơn vị, phiên ngày 16-11 là 242.800 đơn vị, phiên ngày 15-11 là 181.900 đơn vị, phiên ngày 11-11 là 789.300 đơn vị, phiên ngày 10-11 là 749.700 đơn vị, phiên ngày 9-11 là hơn 1,05 triệu đơn vị.
Với nhóm CP thép, HPG là mã CP bị tự doanh “xả hàng” nhiều nhất trong trong các phiên giao dịch gần đây. Đơn cử phiên ngày 18-11 là 1,8 triệu đơn vị, phiên ngày 17-11 là 464.700 đơn vị, phiên ngày 16-11 là 1,1 triệu đơn vị, phiên ngày 11-11 là 554.200 đơn vị, phiên ngày 10-11 là 1,4 triệu đơn vị.
Một chuyên gia CK (đề nghị giấu tên), cho rằng mức giá hiện tại chắc chắn không làm hài lòng bộ phân tự doanh của các CTCK, nhưng trong bối cảnh khối ngoại bán ròng và dòng tiền có xu hướng chảy vào nhóm CP nóng, thì mức giá này cũng là quá hời.
Trên thực tế, dù giảm khá sâu so với đỉnh, nhưng tự doanh vẫn thắng lớn, bởi mức giá mà tự doanh mua vào trước đó thấp hơn rất nhiều. Hơn nữa, nếu cộng với số CP thưởng và cổ tức tiền mặt nhận được trong đợt chia thưởng gần đây thì tự doanh của các CTCK đều lãi lớn nhờ 2 mã CP trên với tỷ suất lợi nhuận đạt ít nhất là 50%.
Khó đòi hỏi sự minh bạch
Rất khó để đưa ra bằng chứng khẳng định các CTCK khuyến nghị NĐT mua vào những mã CP mà bộ phận tự doanh đang nắm giữ để trục lợi, bởi những mã CP này trên thực tế đều là hàng CP tốt. Tuy nhiên, sẽ không thể tránh khỏi những nghi ngờ của giới đầu tư về hiện tượng giá CP giảm dù CTCK khuyến nghị mua vào.
Thậm chí, nhiều NĐT còn nghi ngờ các CTCK cố tình tạo nên tình trạng quá tải trong những phiên giao dịch có biến động, để ưu tiên bán CP mình đang nắm giữ ở mức giá xanh trước khi thị trường lao dốc.
Theo lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, tùy theo điều kiện, CTCK có thể được phép tiến hành một hoặc tất cả các nghiệp vụ hoạt động gồm: môi giới, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư và tự doanh. Tuy nhiên, nếu CTCK được phép tiến hành cùng lúc nhiều hoạt động, trong đó có tự doanh, sẽ dẫn đến các xung đột lợi ích.
Đơn cử là xung đột lợi ích giữa hoạt động tự doanh và môi giới. Theo đó, để đạt được lợi ích của mình, CTCK sẽ thực hiện các hoạt động chèn lệnh để giành lệnh mua hoặc bán trước khách hàng.
Một hiện tượng nữa là xung đột giữa hoạt động tư vấn và hoạt động tự doanh. Vì mục tiêu lợi nhuận, CTCK sẽ tư vấn cho khách hàng mua hoặc bán mã CP nào đó theo hướng có lợi nhất cho bộ phận tự doanh của mình.
Ngoài các xung đột lợi ích kể trên, hoạt động tự doanh của các CTCK cũng đang tạo nên sự nghi ngờ về các giao dịch nội gián. Thông thường, danh mục đầu tư của các CTCK là những mã CP có vốn hóa lớn hoặc doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC, thời gian gần đây, danh mục đầu tư của bộ phận tự doanh một số CTCK xuất hiện nhiều mã CP của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Đơn cử là danh mục đầu tư của CTCK C. có khoản đầu tư gần 133 tỷ đồng vào HAG (CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và 44 tỷ đồng vào HNG (CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai). Đợt tăng giá của HAG và HNG trong những phiên giao dịch gần đây giúp cho khoản đầu tư của CTCK C. vào 2 doanh nghiệp này lãi gần 60% và 30%.
Theo kinh nghiệm của TTCK các nước phát triển, để giải quyết xung đột lợi ích trên, một số quốc gia yêu cầu các CTCK lập “danh sách cấm”, để cảnh báo cho khách hàng biết đây là CP của những doanh nghiệp mà CTCK có thông tin nội bộ. Các mã CP trong danh sách này tuyệt đối không được nhân viên CTCK đưa ra bất kỳ khuyến nghị hay tư vấn cho khách hàng.
Mảng tự doanh của các CTCK là hoạt động nhạy cảm và khó tạo nên sự minh bạch. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, phần lớn các CTCK có vốn ngoại đã không đưa tự doanh vào các hoạt động kinh doanh. |