Qua đây có thể thấy, bên cạnh các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiến mạnh vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua mua một phần hoặc toàn bộ vốn của CTTC, doanh nghiệp Thái Lan cũng đang lăm le mảnh đất màu mỡ này.
Chấp nhận mua lại công ty thua lỗ
Cuối tháng 1 vừa qua, NHNN có văn bản trả lời đề nghị của Công ty TNHH Srisawad Corporation (trụ sở tại Bangkok, là một trong những công ty con Tập đoàn tài chính International Holding của Thái Lan) về việc mua lại 100% vốn ALC 1. Cụ thể, NHNN cho biết đang tiếp tục xem xét các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu ALC 1. Đề nghị của Srisawad Corporation sẽ được xem xét sau khi phương án cơ cấu lại ALC 1 được phê duyệt theo quy định.
Với ý định mua lại ACL 1 và chuyển đổi loại hình sang CTTC, có thể nói Srisawad Corporation đang muốn tiến sâu vào sân chơi tài chính tiêu dùng tiềm năng của Việt Nam. |
Đồng thời, Srisawad Corporation sẽ kế thừa toàn bộ công nợ tại thời điểm ký biên bản ghi nhớ.
Về ALC 1, tại thời điểm cuối năm 2017, công ty này lỗ lũy kế 714 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bị âm 437 tỷ đồng, nợ phải trả 394 tỷ đồng, trong đó nợ lãi chiếm gần 48%. Hồi tháng 11-2017, Agribank đã phát thông báo chào bán ALC 1 nhằm thực hiện chỉ đạo của NHNN về phương án xử lý pháp nhân ALC 1.
Đáng chú ý, trong đề nghị của đối tác Thái gửi đến NHNN vào tháng 12-2018, nêu rõ công ty này chưa đáp ứng được yêu cầu đạt 10 tỷ USD giá trị tổng tài sản theo quy định chung đối với chủ sở hữu của TCTD phi NH TNHH là TCTD nước ngoài.
Srisawad Corporation còn muốn chuyển đổi loại hình hoạt động của ALC 1 theo mô hình của CTTC tổng hợp để hoạt động có hiệu quả hơn. Theo Nghị định 39/2014 về hoạt động của CTTC và công ty cho thuê tài chính, CTTC tổng hợp được bổ sung, sửa đổi nội dung hoạt động quy định để chuyển đổi thành CTTC chuyên ngành (bao gồm bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng và cho thuê tài chính). Điều này cho thấy, Srisawad Corporation đang mong muốn thông qua ALC 1 khai phá tiềm năng của thị trường tài chính Việt Nam.
“Miếng bánh” tín dụng tiêu dùng
“Miếng bánh” tín dụng tiêu dùng
So với lĩnh vực NH, vài năm gần đây các CTTC nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Bằng chứng là hàng loạt NH đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực này, cho ra mắt nhiều CTTC con trực thuộc. Đồng thời, làn sóng vốn ngoại đổ vào CTTC cũng gia tăng, như Lotte Card, thành viên Tập đoàn Lotte, chi 1.700 tỷ đồng mua lại 100% vốn của TechcomFinance từ Techcombank; Shinhan Card chi 151 triệu USD mua lại CTTC Prudential Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng sở hữu tỷ lệ cổ phần cao tại các CTTC, như Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) đang giữ 49% cổ phần Mcredit (MB)… Gần đây, thị trường cũng xuất hiện CTTC tổng hợp như CTTC cổ phần Tín Việt (VietCredit).
Theo quy định, CTTC tổng hợp này được huy động vốn, cấp tín dụng và được tham gia nhiều hoạt động khác, như góp vốn, mua cổ phần theo quy định của NHNN; tham gia mua trái phiếu, tín phiếu, bảo lãnh phát hành các loại giấy tờ có giá; kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước trong phạm vi do NHNN quy định…
Thực tế, các CTTC đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Kể cả VietCredit dù là CTTC tổng hợp, nhưng đến nay cũng chỉ tập trung 2 sản phẩm là phát hành thẻ tín dụng (thẻ Vay VietCredit) và vay tiêu dùng tiểu thương.
Trong khi đó, Srisawad Corporation cũng đã hoạt động ở Việt Nam qua hình thức kinh doanh cầm đồ và cho vay trả góp với thương hiệu Sawad Việt Nam, hiện có 7 chi nhánh tại các tỉnh thành Nghệ An, Cần Thơ, TPHCM và Bình Dương. Thời gian qua, Sawad Việt Nam cũng mở rộng quảng bá dịch vụ tài chính cá nhân rộng rãi trên các mạng xã hội, với mức cho vay 20-200 triệu đồng.
Theo giám đốc vận hành một CTTC, về nhu cầu vay tiêu dùng, tiềm năng thị trường Việt Nam còn khá lớn, khi dân số trong độ tuổi lao động chiếm đến 70% trong 100 triệu dân. Trong khi đó, số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận qua NH, CTTC… mới khoảng 33,5 triệu người.
Nhu cầu chi tiêu của người dân ngày càng cao và phần lớn là dân số trẻ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã xuất hiện thêm khá nhiều CTTC tiêu dùng.
Giới tài chính cũng nhận định, nếu được chấp thuận, Srisawad Corporation chắc chắn sẽ không bỏ lỡ miếng bánh tín dụng tiêu dùng hấp dẫn tại Việt Nam, khi đã bỏ ra 500 tỷ đồng để mua lại CTTC đang thua lỗ.