Doanh nghiệp tiên phong
GMD được thành lập từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước vừa bắt đầu mở cửa giao thương với thế giới. Dù tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, nhưng GMD đã tiên phong đưa dịch vụ container vào Việt Nam, kết nối những tuyến hàng hải đầu tiên với thế giới. Dấu ấn đầu tiên của GMD là việc triển khai dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển, khai thác cảng cạn (ICD Phước Long), dịch vụ container lạnh. Năm 1993 mở ra giai đoạn phát triển mới cho GMD khi chính thức trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa.
Mốc son kế tiếp được đánh dấu bằng việc GMD chính thức niêm yết CP trên HOSE vào năm 2002. Quyết định đưa CP lên niêm yết được xem là bước ngoặt quan trọng, giúp GMD chuyển mình mạnh mẽ nhờ nguồn vốn giá rẻ huy động trên TTCK. Năm 2006, phát hành CP tăng vốn điều lệ lên 475 tỷ đồng. Năm 2010 nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, 1.144 tỷ đồng năm 2013, 1.161 tỷ đồng năm 2014, 1.196 tỷ đồng năm 2015, 1.794 tỷ đồng năm 2016, 2.882 tỷ đồng năm 2017 và 2.969 tỷ đồng năm 2018. Từ nguồn vốn này, GMD đã không ngừng đầu tư, tạo thêm những dấu ấn rất ấn tượng của ngành.
Cụ thể, trong lĩnh vực khai thác cảng, GMD là công ty niêm yết duy nhất sở hữu và khai thác hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam với chuỗi 8 cảng. Trong lĩnh vực logistics, GMD sở hữu và khai thác hệ thống trung tâm phân phối hiện đại, phủ rộng tại các vùng kinh tế trọng điểm, tổng diện tích hàng trăm ngàn m2, thực hiện hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Hiện nay, GMD là doanh nghiệp duy nhất cả nước cung cấp các dịch vụ và giải pháp quản trị chuỗi cung ứng toàn diện, với hệ thống logistics bao gồm 6 lĩnh vực khác nhau: cảng hàng hóa hàng không, trung tâm phân phối hàng hóa, vận tải hàng siêu trường siêu trọng, vận tải biển - thủy, logistics hàng lạnh và logistics ô tô.
CP thăng hoa
CP thăng hoa
Thời điểm chào sàn, hoạt động kinh doanh vẫn chưa thật sự nổi trội, GMD có phiên chào không quá thành công với mức giá chốt phiên đạt 42.500 đồng/CP. Sau thời gian dài giao dịch khá ảm đạm, GMD bắt đầu có những phiên giao dịch bứt phá từ tháng 3-2004, nhờ hiệu ứng tích cực từ kết quả kinh doanh. Đến năm 2007, hòa cùng sự thăng hoa của TTCK, GMD giao dịch khởi sắc với mức đỉnh lịch sử được xác lập trong phiên giao dịch ngày 5-2-2007 là 208.000 đồng/CP. Dù chịu nhiều áp lực điều chỉnh khi TTCK lao dốc trong những năm kế tiếp, nhưng GMD vẫn duy trì ở mức khá cao so với doanh nghiệp cùng ngành và cả mặt bằng chung của TTCK.
Việc GMD duy trì ở mức giá cao đến từ những yếu tố thuận lợi và kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ tận dụng được lợi thế này. Đơn cử, năm 2019 lạm phát tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt mốc 500 tỷ USD, Việt Nam nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 11 năm (đạt 7,02%). Đặc biệt, làn sóng dịch chuyển hệ thống nhà xưởng từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và Việt Nam được ví như “thỏi nam châm” tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Những lợi thế trên giúp lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của GMD có sự bứt phá cả về giá trị tuyệt đối và tương đối, với tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số (tăng hơn 17% so với cùng kỳ) trong năm 2019. Nhờ kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng ổn định, GMD nhiều năm liền được vinh danh tại bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes bình chọn, Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất, Top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất.
Phá sản kế hoạch
Phá sản kế hoạch
Với GMD, 2020 được xem là năm quan trọng trong chiến lược đầu tư phát triển mở rộng chuỗi cung ứng dịch vụ logictics, hoàn thành và đưa vào hoạt động cảng nước sâu Gemalink. Gemalink là dự án cảng nước sâu có quy mô lớn nhất Việt Nam, nằm trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) với diện tích lên đến 72ha. Gemalink có trang thiết bị hiện đại, được thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới lên đến 200.000DWT. Theo thiết kế, năng lực của Gemalink ở giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU và toàn dự án là 2,4 triệu TEU, với vốn đầu tư cho giai đoạn 1 ước tính 330 triệu USD. Tuy nhiên, những dự định này gần như bị phá sản, khi nền kinh tế toàn cầu bất ngờ suy giảm do gánh chịu hậu quả từ dịch bệnh Covid-19.
Tại ĐHCĐ thường nên 2020 được tổ chức ngày 22-6, HĐQT GMD thừa nhận lĩnh vực khai thác cảng và logistics của GMD được xác định là 1 trong 9 ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Đứng trước thách thức này, HĐQT GMD đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh 2020 với 2 kịch bản theo diễn biến của tăng trưởng GDP Việt Nam. Với kịch bản 1 (GDP tăng trưởng 4,8%), doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 19% (đạt 2.150 tỷ đồng) và 29% (đạt 500 tỷ đồng). Với kịch bản 2 (GDP tăng trưởng 4%), doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 24% (đạt 2.000 tỷ đồng) và 39% (đạt 439 tỷ đồng).
Đặc biệt, trước diễn biến bất ngờ của Covid-19, HĐQT GMD đã quyết định chỉ chi trả cổ tức năm 2019 là 10%, thay vì 15% như dự tính. Số tiền được giữ lại nhằm duy trì dòng tiền, hạn chế gia tăng nợ và để dành cho các kế hoạch M&A khi đại dịch đi qua. Ở thời điểm hiện tại, dù kết quả kinh doanh của GMD trong 2 quý đầu tiên chưa bị tác động nhiều, nhưng dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ là những con số không mấy khả quan.
GMD là 1 trong những mã CP bị tác động mạnh từ Covid-19. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, GMD đã giảm hơn 15% và hiện đang giao dịch dưới mốc 20.000 đồng/CP, mốc giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch. |