Tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề khôi phục du lịch quốc tế, các doanh nghiệp đều cho rằng dịch đã khiến mọi thứ thay đổi, Việt Nam cần có nhiều sự chuẩn bị để có thể đón khách quốc tế trở lại bền vững.
Câu chuyện đầu tiên được nhắc tới là phủ nhanh vaccine để mở rộng vùng xanh. Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Giám đốc công ty Duy Nhất Đông Dương, cho rằng điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn chính là vaccine. Không chỉ là phủ vaccine cho đội ngũ làm du lịch mà còn cho người dân của những điểm đến. Ví như Hội An, người dân tại chỗ cần được phủ vaccine. Chỉ có như vậy du khách mới không bị gò bó bởi luồng xanh, được mở rộng trải nghiệm du lịch.
Thêm vào, đó cần có sự thống nhất về các tiêu chuẩn an toàn giữa Việt Nam và các quốc gia có nguồn khách mà chúng ta nhắm tới. Ngoài ra, cần bàn tới câu chuyện công nghệ.
Hiện công nghệ vẫn là một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam. Cần có một app thống nhất cho du lịch, từ chứng nhận sức khoẻ đến các điểm thăm quan du lịch. Khách sẽ có đánh giá không tốt nếu vào một quốc gia có quá nhiều vấn để, thủ tục rườm rà.
"Công nghệ là vấn đề cần giải quyết ngay, nếu làm được chúng ta sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam sau dịch", ông Thuỷ nhấn mạnh.
Đồng ý với những nhận định của ông Thuỷ, Tổng giám đốc công ty CP du lịch Bắc Mỹ An, ông Nguyễn Đức Quỳnh, bổ sung thêm hành vi của khách du lịch sau dịch đã thay đổi rất nhiều, nên các điểm đến cần bổ sung sản phẩm phù hợp hơn. Những điểm lưu trú cũng cần có cách thức phục vụ khác hơn so với trước kia.
Ví dụ các cơ sở lưu trú không thể sử dụng nhiều nhân viên phục vụ, vì khách sợ đông người, hoặc thay đổi mô hình ăn buffet buổi sáng bằng phục vụ tại bàn, để đảm bảo an toàn...
"Khách du lịch quốc tế thường đi dài ngày và xa quê hương, nên việc đón tiếp và đảm bảo an toàn sức khoẻ cho du khách sẽ phải được chú ý hơn cả trong bối cảnh hiện nay", ông Quỳnh nhấn mạnh.
Cũng theo các doanh nghiệp, thời điểm này là phù hợp để Việt Nam từng bước mở cửa lại du lịch quốc tế. Tuy nhiên, vì cái nhìn về điểm đến sau dịch của du khách đã thay đổi vì thế Việt Nam cần xây dựng lại thương hiệu du lịch sau một thời gian dài ngủ đông. Cần định hình lại xem chúng ta sẽ phát triển như thế nào, kể câu chuyện mới nào với du khách để hấp dẫn họ.
Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch, hầu hết các doanh nghiệp đã cạn kiệt sức lực, nên cần có sự hỗ trợ của nhà nước và các địa phương. Trước nhất là những chi phí về y tế như xét nghiệm, sau là có những khoản vay không lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định, để doanh nghiệp có thể phục hồi.
Tháng 11 này, ngành du lịch Việt Nam sẽ thí điểm đón khách quốc tế ở Phú Quốc, nếu thành công sẽ mở rộng ra một số điểm đến đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch.