Doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan sẽ giúp FMC hoàn thiện chuỗi cung ứng
Trong 2 ngày 11 và 12-10, CP Việt Nam thuộc sở hữu của CP Group, một trong những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Thái Lan - ông Dhanin Chearavanont, đã mua hơn 9,7 triệu CP, tương đương 16,56% cổ phần của FMC.
Trong thương vụ này, CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group) đã bán 5,4 triệu CP, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,18% theo hình thức giao dịch thỏa thuận cho CP Việt Nam, với giá 50.000 đồng/CP. Sau giao dịch này, PAN Group giảm tỷ lệ sở hữu tại FMC từ 51,12% xuống 41,95%.
Tuy nhiên, nếu kết hợp sở hữu của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), công ty con của PAN Group, thì tập đoàn này và các bên liên quan vẫn sở hữu lượng cổ phần chi phối tại FMC, là đạt 55,7%.
Được biết, CP Việt Nam là công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi lớn nhất với 20% thị phần tại Việt Nam. Nhờ mạng lưới phân phối trải dài trên nhiều quốc gia, CP có thể hỗ trợ FMC tìm kiếm đơn hàng mới và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Hơn hết, sự tham gia của CP Việt Nam được kỳ vọng sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị của FMC, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là chi phí thức ăn chiếm 60-70% tổng chi phí nuôi tôm, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Đã hồi phục hồi toàn bộ công suất
Từ giữa tháng 9, năng lực sản xuất của FMC đã phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt, sớm hơn nhiều so với các nhà chế biến thủy sản khác. Trong tháng 9, doanh thu của công ty tăng 21% (đạt 21,7 triệu USD), trong đó sản lượng xuất khẩu tôm tăng 13% và giá bán tôm trung bình tăng 5%, lên 11,7 USD/kg.
Theo ước tính của CTCK Rồng Việt (VDSC), doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu 2021 của FMC là 154,6 triệu USD (tăng 12%), chủ yếu do nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường chủ chốt, là Hoa Kỳ và EU.
Tuy nhiên, do chính sách siết chặt giãn cách để phòng chống Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam từ tháng 7, nên dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III của FMC lần lượt là 1.280 tỷ đồng (giảm 21%) và 58 tỷ đồng (giảm 17%).
Theo VDSC, hiện giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng mạnh trong tháng 8, đặc biệt là vào Mỹ. Do đó, FMC có thể duy trì giá bán trung bình cao là 11,9 USD/kg (tăng 11%) trong quý IV.
Theo dự báo của VDSC, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý IV của FMC đạt lần lượt là 1.572 tỷ đồng (tăng 30%) và 82 tỷ đồng (tăng 29%). Trong cả năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 4.980 tỷ đồng (tăng 13%) và 256 tỷ đồng (tăng 12%). EPS năm 2021 là 4.270 đồng và PER dự phóng năm 2021 là 11,7 lần.
Định giá cổ phiếu lên 55.000 đồng
Theo Undercurrent News, dịch vụ thực phẩm phục hồi trở lại mức bình thường trong khi doanh số bán lẻ tôm vẫn tăng. Tiêu thụ tôm tại nhà sẽ duy trì trên mức trước Covid-19, khi mọi người có xu hướng chuyển sang thói quen nấu ăn ở nhà.
Sự thiếu hụt nguồn cung thịt bò và thịt heo có thể gây ra sự gia tăng nhu cầu đối với các loại protein động vật khác. Hơn nữa, giá thịt bò và thịt heo đang có xu hướng tăng, và đạt mức gần với giá tôm hơn, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm tôm.
Hầu hết các sản phẩm của FMC là tôm chế biến, cho phép công ty hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với sản phẩm này, mà ít có sự cạnh tranh từ các nước khác.
Đặc biệt, FMC còn có lợi thế lớn khi 2 nhà máy của FMC sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2022, nâng tổng công suất lên 70% khi tối đa công suất.
Nhờ nhu cầu xuất khẩu tôm cao, FMC có thể tăng sản lượng xuất khẩu tôm lên 20% trong năm 2022. VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt đạt 6.096 tỷ đồng (tăng 22%) và 320 tỷ đồng (tăng 26%).
Kỳ vọng về thị trường xuất khẩu, cộng với 2 nhà máy chế biến mới đi vào hoạt động năm 2022, sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận sau thuế của FMC tăng trưởng 26-30% trong giai đoạn 2022-2023.
Do vậy, VDSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu của FMC từ mức định giá gần nhất lên 55.000 đồng/CP.
“Nếu cộng với mức chi trả cổ tức tiền mặt dự kiến trong 12 tháng tới là 2.000 đồng/CP, tổng mức sinh lời của FMC sẽ đạt 15% dựa trên giá đóng cửa ngày 14-10 là 49.650 đồng/CP”, theo định giá của VDSC.