Kể từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ số VN-Index liên tiếp thiết lập các mốc điểm lịch sử mới, nhiều cổ phiếu cũng ghi nhận mức giá cao kỷ lục.
Thế nhưng, cổ phiếu nhóm ngành thủy sản vẫn giao dịch khá ảm đạm, dòng tiền chỉ thực sự quay trở lại nhóm này trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhờ những kỳ vọng lạc quan về kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng cuối năm.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/6, giá cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đóng cửa ở mức 46.000 đồng/cổ phiếu, chỉ tăng 11% so với đầu năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng gần 25% của chỉ số VN-Index.
Đáng chú ý, VHC có khả năng đã chạm đáy sau khi giảm sâu chỉ còn 35.000-36.000 đồng/cổ phiếu vào các phiên giữa tháng Năm vừa qua và sau đó có dấu hiệu phục hồi cả về giá và thanh khoản. Thậm chí, trong phiên ngày 10/6 vừa qua, cổ phiếu VHC bất ngờ tăng trần với thanh khoản ghi nhận tăng vọt gấp 3-4 lần so các phiên trước đó.
Cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi khá rõ nét khi tăng tới 34% chỉ từ đầu tháng Sáu này đến nay, với nhiều phiên tăng trần. Các cổ phiếu khác trong ngành thủy sản như MPC của Công ty Cổ phần Minh Phú; FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta… cũng không nằm ngoài xu hướng trên.
Trong một báo cáo cập nhật ngành thủy sản mới đây, các chuyên gia của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, giá cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có sự phục hồi tích cực từ cuối tháng Năm vừa qua, nhờ các thông tin cho thấy nhu cầu thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam đang ấm dần lên trong quý 2 này.
Trong quý 1 vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết báo cáo doanh thu, lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ, do tác động của COVID-19 trên thế giới. Tuy nhiên, số liệu cập nhật của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và của doanh nghiệp cho thấy, doanh số bán hàng đã có sự tăng trưởng khả quan kể từ tháng 3 và tiếp tục được khẳng định trong những tháng sau đó.
Theo VASEP, sau khi tăng 22% đạt 749 triệu USD trong tháng Tư vừa qua, xuất khẩu thủy sản của cả nước tiếp đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng Năm vừa qua, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD. Theo đó, kết quả xuất khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3,27 tỷ USD.
Các doanh nghiệp đầu ngành cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan bất chấp dịch COVID-19 diễn biến còn phức tạp.
Tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, lãnh đạo công ty cho biết trong năm nay, vùng nuôi tôm của doanh nghiệp dự kiến sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất so với mọi năm, do có sự chuẩn bị khá hoàn thiện mọi mặt, thời tiết thuận lợi. Riêng trong tháng Năm vừa qua, thành phẩm tôm chế biến của công ty đạt 2.057 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ; nông sản chế biến đạt 116 tấn, tương đương so với cùng kỳ và doanh số chung đạt 16,9 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2020.
Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 743 tỷ đồng. Trong đó, đà tăng chủ yếu nhờ tăng trưởng ở các dòng sản phẩm cá tra (tăng 46%), sản phẩm phụ (tăng 51%) và giá trị gia tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận mức tăng khủng với tỷ lệ 188% so với cùng kỳ.
Theo Mirae Asset Việt Nam, việc các quốc gia lớn trên thế giới đã triển khai nhanh chóng vaccine COVID-19 đã giúp các quốc gia này dần mở cửa trở lại, đồng thời giúp nhu cầu cũng như chuỗi cung ứng thủy sản từ Việt Nam ra thế giới dần phục hồi. Qua đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam theo đó cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong quý 2 cũng như 6 tháng cuối năm nay.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Cổ phần SSI cho rằng đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính. Cụ thể, giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 (như Ấn Độ); và tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.
Tuy vậy, phân tích của các công ty chứng khoán cũng cho thấy vẫn còn nhiều trở ngại áp lực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này trong 6 tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí vận chuyển đường biển bằng container từ Việt Nam đến các thị trường chính (Hoa Kỳ, Châu Âu) đang ở mức cao kỷ lục... sẽ là những yếu tố chính khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chịu sức ép trong ngắn hạn. Mặt khác, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đang dẫn tới mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung nếu chẳng may có ca mắc trong các doanh nghiệp, vùng nguyên liệu.
Theo các chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam, dù khó khăn vẫn còn, tuy nhiên thị giá cổ phiếu xuất khẩu thủy sản có thể đã hoàn thành tạo đáy. Việc giá cổ phiếu của các công ty này đồng loạt tăng và giữ được diễn biến giao dịch sôi động từ cuối tháng Năm vừa qua cho thấy dòng tiền đầu tư đã phản ứng tốt với các tin tức mới được cập nhật và cũng mở ra cơ hội để tích lũy cổ phiếu này trong năm 2021.
“Việc dòng tiền đầu tư phản ứng tích cực với các tin mới cập nhật, giá các cổ phiếu thủy sản sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng Sáu này và nửa sau năm 2021. Thị giá của các cổ phiếu nhóm này có khả năng vượt qua các đỉnh trước đây, nhờ việc mặt bằng giá được điều chỉnh theo tương quan với mức VN-Index mới được hình thành ở khu vực 1.300 điểm,” báo cáo của Mirae Asset Việt Nam nhận định.