Thế nhưng, chưa kịp tận hưởng “quả ngọt”, cổ đông của PAN đã phải nếm “trái đắng” khi lợi nhuận kế hoạch năm 2018 sụt giảm mạnh.
Mạnh tay M&A
Mô hình hoạt động mà PAN đang hướng đến là hình thức tập đoàn, trong đó công ty mẹ đóng vai trò quản lý vốn và điều phối, phối hợp sản xuất kinh doanh giữa các công ty thành viên gồm: PAN Farm, PAN Food và PAN Services. Chiến lược đầu tư này được PAN hiện thực hóa thông qua các hoạt động đầu tư trong năm vừa qua. Dẫn chứng rõ ràng nhất là việc xây dựng và đưa vào hoạt động cụm nhà máy sản xuất bánh kẹo PAN - Manufacturing với công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Đây là bước tiến quan trọng của PAN Food trên hành trình trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về thực phẩm đóng gói. Song song đó, PAN cũng đã đầu tư mạnh cho các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối các công ty có thế mạnh trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp.
Theo thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng giá trị đầu tư của PAN vào các công ty con và công ty liên kết là PAN Farm, PAN Food và PAN Services lên đến 2.009 tỷ đồng. Trong đó giá trị đầu tư ở các công ty trong ngành thực phẩm và nông nghiệp lần lượt đạt 1.457 tỷ đồng và 981 tỷ đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực thực phẩm, các hoạt động đầu tư dự án mới và M&A nhằm gia tăng sở hữu ở các công ty thực phẩm được triển khai thông qua PAN Food. Tháng 9-2017, PAN Food đã tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Bibica (BBC) từ 43,73% lên 50,07%. Việc biến BBC từ công ty liên kết trở thành công ty con nằm trong kế hoạch xây dựng thương hiệu bánh kẹo chất lượng cao của PAN.
Cũng trong trong năm 2017, PAN Food cũng đã tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thủy sản 584 Nha Trang lên 31,86%; thông qua công ty con là CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) mua thành công 20,1% cổ phần tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Trong lĩnh vực nông nghiệp, CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), một thành viên của PAN Farm, đã thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC) từ 68,34% lên 74,9%. Cũng trong năm 2017, PAN Farm cũng liên tục mua vào cổ phần tại FMC với mục tiêu sở hữu chi phối FMC cùng với số cổ phần ABT đang nắm giữ. Bất ngờ sa sút
Sau hàng loạt thương vụ M&A, hoạt động sản xuất kinh doanh các lĩnh vực cốt lõi, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PAN đã tăng trưởng mạnh so với năm 2016 ở tất cả các chỉ tiêu.
Cụ thể, doanh thu tăng 48% (đạt 4.075 tỷ đồng), lợi nhuận hợp nhất sau thuế tăng 50% (đạt 503 tỷ đồng), lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 45% (đạt 372 tỷ đồng, lãi cơ bản trên CP (EPS) tăng 46% (đạt 3.163 đồng/CP). Cơ cấu doanh thu của PAN năm 2017 đã cho thấy sự chuyển dịch rõ nét trọng tâm phát triển kinh doanh tiếp tục chủ yếu vào ngành nông nghiệp và thực phẩm, và đặc biệt là ngành thực phẩm với mức tăng trưởng ấn tượng 88%.
Thế nhưng, mới đây PAN công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2018 (dự kiến tổ chức ngày 21-4) với sự sa sút không ngờ về chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, PAN đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu là 115% (đạt 8.786 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 21,1% (đạt 293 tỷ đồng). Đặc biệt, với lý do cần tập trung các nguồn lưc để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh và nắm bắt các cơ hội M&A tiềm năng trong năm 2018, HĐQT của PAN đề xuất không trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông.
Với những con số không mấy sáng sủa này, CTCK TPHCM (HSC) đã đưa ra khuyến nghị kém khả quan với PAN. Theo các chuyên gia phân tích của HSC, giá trị hợp lý của PAN là 44.757 đồng/CP, tương đương P/E dự phóng là 19x. Chiến lược của PAN là trở thành một công ty trong ngành nông nghiệp thực phẩm, cung cấp thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc dựa trên chuỗi giá trị “Nông trại - Thực phẩm - Bàn ăn gia đình”.
PAN cũng tỏ ra khá tham vọng khi mở rộng chuỗi giá trị của mình thêm nhiều sản phẩm nữa trong danh mục và dự kiến sẽ thực hiện thêm các thương vụ M&A khác trong tương lai. Tuy vậy, công tác quản trị của PAN ở những mảng kinh doanh này là khá lỏng lẻo. Đặc biệt, việc tiếp cận của NĐT với PAN không dễ dàng do thanh khoản kém.