Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), nhận xét:
Theo tôi, có một số DN kinh doanh sản xuất những sản phẩm mang tính giá trị tinh thần như văn hóa, y tế, giáo dục… thì khi CPH Nhà nước không cần thiết phải nắm cổ phần chi phối. Thế nhưng, quan trọng nhất trong CPH phải tính đến yếu tố đặc thù của DN đó. Thí dụ như trước đây, khi chúng tôi làm chuyển đổi DN tư vấn kiểm toán của Bộ Tài chính sang mô hình đa sở hữu.
Việc chọn DN đối tác tham gia cổ phần phải gắn liền với hoạt động của DN CPH. Bởi tài sản lớn nhất của DN là đội ngũ cán bộ chất lượng cao, cán bộ làm nghề uy tín đi theo. Do đó, khi lựa chọn cổ đông mua cần xem xét kỹ DN cổ đông tham gia hoạt động trong nghề họ mới “cùng một thuyền được”.
Với DN thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ), khi CPH cũng đưa ra vấn đề cổ đông chiến lược phải am hiểu về sở hữu trí tuệ, bởi giá trị lớn nhất của DN là toàn bộ luật sư về sở hữu trí tuệ trong DN. Tuy nhiên, điều này không được chú ý nhiều và việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược mở rộng ra với cả những nhà đầu tư chủ yếu có tiềm lực tài chính, nhưng lại không am hiểu đến vấn đề sở hữu trí tuệ.
Sau đó dẫn đến hệ quả khi CPH xong, nhiều luật sư xin nghỉ làm. Luật sư họ hành nghề bằng danh tiếng của mình, nên khi họ nghỉ khách hàng đi theo họ, chất lượng đi xuống. Chưa kể còn nhiều vấn đề liên quan đến kiện tụng giữa cổ đông mới với ban lãnh đạo công ty.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông bài học rút ra sau đó là gì?
Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Từ 2 thí dụ nêu trên, chúng tôi cho rằng việc CPH là phải làm, vì sự thay đổi sẽ giảm bớt bao cấp của Nhà nước, DN phải hướng đến thị trường. Với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, khi CPH phải có sự xem xét các cổ đông nào là cổ đông chiến lược.
Hiện nay trên cơ sở những quy định ngành cần có các cam kết bằng hình thức văn bản như hợp đồng kinh tế. Cùng với đó có sự tư vấn của luật sư để có những ràng buộc hợp lý, tránh thua thiệt cho các cổ đông, DN. Thời gian qua, chúng tôi cũng đưa ra các quy định ràng buộc chặt chẽ cam kết của cổ đông và nếu phá vỡ sẽ bị phạt.
Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có sự giám sát, vì nếu không giám sát kiểm tra cổ đông chiến lược có thể không thực hiện đúng cam kết. Thực ra Luật và Nghị định 59 cũng đã đề cập, nhưng thực tế việc chuyển đổi DN thời gian qua thiếu sự quyết liệt trong việc rà soát cơ chế, chất lượng giảm, chỉ chú trọng đến số lượng.
Chính phủ đã quyết định thanh tra việc CPH tại Hãng phim truyện Việt Nam.
- Thưa ông, hiện mới chỉ CPH được 34 DN trong tổng số 44 DN của năm nay. Thời gian chỉ còn chưa đầy 3 tháng, vậy bộ có biện pháp gì để đẩy nhanh tiến trình này?
- Về mặt thể chế đã xong. Những rào cản và vướng mắc đã được tháo gỡ bằng những biện pháp cụ thể trình lên Thủ tướng Chính phủ, và vừa qua đã đưa vào nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9; đã có nghị quyết về CPH DN trong các lĩnh vực dầu khí, điện (các tổng công ty dầu, điện).
Các vấn đề liên quan đến danh mục CPH, tỷ lệ nắm giữ, lộ trình triển khai, trách nhiệm các bộ, ngành… đều đã có. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ban hành hướng dẫn, sẽ kiểm tra, đôn đốc và chấn chỉnh. Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng nếu bộ, ngành nào không hoàn thành tiến độ CPH thì sẽ công bố cả DN lẫn bộ đó.
Giải pháp thứ hai là tăng cường kiểm tra, giám sát. Thủ tướng cũng đã giao tổ công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện trong việc đôn đốc các địa phương tiến hành CPH, bán bớt cổ phần theo quy định… Để làm được điều này cũng rất cần sự giám sát của người dân, báo chí, nhà đầu tư.
Một giải pháp nữa là đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, có biện pháp để kêu gọi dòng vốn nước ngoài. Đây là điều quan trọng bởi quy mô thị trường hiện nay đang nhỏ nhưng lượng hàng hóa sắp tới sẽ nhiều, nếu bán như thế này thị trường không hấp thụ được.
Việc CPH, thoái vốn cũng cần các dòng vốn ngoại và vừa qua Bộ Tài chính cũng đã tiến hành xúc tiến đầu tư, giới thiệu với các nhà đầu tư ngoại về chủ trương của Chính phủ để họ hiểu và bỏ vốn vào. Qua các cuộc tiếp xúc, tín hiệu phản hồi của các nhà đầu tư là rất tốt. Các nhà đầu tư ngoại đang đợi khi để khi Nhà nước thoái vốn khỏi DN lớn họ sẽ tham gia.
Vấn đề nữa là công tác thông tin. Theo quy định, DN CPH sẽ phải công bố công khai về tiến độ triển khai CPH; thường xuyên cập nhật trên website của Chính phủ và của Bộ Tài chính để chúng tôi có thể có cơ sở kiểm tra, đôn đốc.
Tôi cho rằng, nếu thực hiện dồn dập theo kế hoạch thì đạt được, nhưng chất lượng phải gắn liền với thị trường. Bên cạnh đó, các DN dầu khí có lượng chào bán cũng 10.000-20.000 tỷ đồng, hay Becamex Bình Dương, rồi Habeco, Sabeco… Việc chọn cổ đông tham gia mua, bán cũng phải tính toán rất kỹ càng, phải đúng ngành, đúng nghề sẽ mang lại hiệu quả hơn cho hoạt động DN và an toàn cho kinh doanh sau CPH.
- Ông có thể thông tin cụ thể hơn về các trường hợp của Sabeco, Habeco, Vinamilk?
- Với Sabeco, Habeco, Bộ Tài chính chỉ chịu trách nhiệm một phần, còn chủ yếu là Bộ Công Thương. Còn lộ trình của việc thoái vốn thì Vinamilk, Sabeco, Habeco, chậm nhất trong tháng 12 phải xong kế hoạch của năm nay.
Liên quan đến vấn đề thoái vốn, các bộ ngành đang tiếp tục đẩy mạnh, trong đó có CPH các DN thuộc Bộ Xây dựng như Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO)…, UBND tỉnh Bình Dương có Becamex… đều đã được duyệt phương án từ tháng 7, 8 và bây giờ chỉ thực hiện thôi. Theo quy định CPH, trong vòng 3 tháng đó phải bán xong và sau 3 tháng sau sẽ kiểm tra lại.
- Xin cảm ơn ông.