CPI tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm nay, nhưng không phải do các yếu tố tích cực...
Tốc độ tăng CPI năm nay chắc chắn thấp hơn nhiều so với năm trước cũng như so với mục tiêu đưa ra nhưng không phải do những yếu tố tích cực của nền kinh tế mang lại.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số lệu về chỉ giá tiêu dùng (CPI), giá vàng và giá USD tháng 11 và 11 tháng 2012. Theo đó, CPI được nhìn nhận dưới 5 góc độ sau.
Một, CPI tính theo tháng sau với tháng trước của tháng 11 tăng thấp hơn 2 tháng trước đó, nhưng tăng cao hơn của tháng cùng kỳ năm trước (0,39%), cao hơn tốc độ tăng bình quân của tháng 11 cùng kỳ từ 2004 đến 2011 (0,56%).
Hai, tính theo tháng 11 năm nay so với tháng 12 năm trước (tức là sau 11 tháng) của năm nay thấp thứ 3 (tính từ 2004 đến 2011), sau 2006 và 2009 và thấp hơn CPI bình quân sau 11 tháng của cùng kỳ tính từ 2004 đến 2011 (10,63%). Với diễn biến này và các yếu tố ảnh hưởng đến sự biến động trong tháng 12 tới, khả năng cả năm CPI sẽ ở mức trên dưới 8% - thấp chưa bằng một nửa CPI của năm trước và đạt được mục tiêu đề ra cho năm nay.
Ba, CPI tính theo năm (tức là tháng 11 năm nay so với tháng 11 năm trước) của tháng 11, tuy cao hơn so với 3 tháng trước, nhưng vẫn thấp xa so với đỉnh điểm tháng 8/2011 (23,02%).
Bốn, theo nhóm hàng hoá, dịch vụ, sau 11 tháng, CPI của 2 nhóm hàng hoá, dịch vụ vẫn còn mang dấu âm, trong đó giảm tương đối sâu là lương thực và giảm nhẹ nhưng gần như liên tục là bưu chính, viễn thông; có 4 nhóm tăng thấp so với tốc độ tăng chung là thực phẩm; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hoá, du lịch; có 7 nhóm tăng cao, trong đó tăng rất cao là dịch vụ y tế, giáo dục.
Giá lương thực giảm sâu, do sản lượng lúa theo ước tính đạt kỷ lục mới (ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm trước); do giá xuất khẩu giảm mạnh (giảm 9,1%); do lượng nhập khẩu một số loại liên quan đến lương thực khá lớn (10 tháng nhập khẩu lúa mỳ 2,14 triệu tấn, tăng 7,9%, nhập khẩu ngô 1,48 triệu tấn, tăng 99,1%, nhập khẩu đậu tương 1,09 triệu tấn, tăng 64,3%- đó là chưa kể nhập khẩu thức ăn gia súc lên đến 1,97 tỷ USD, tăng 6,8%).
Năm, CPI tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm nay, nhưng không phải do các yếu tố tích cực, như hiệu quả đầu tư cao hơn, năng suất lao động cao hơn, cung hàng hoá, dịch vụ tăng cao hơn...
Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động chưa có sự cải thiện đáng kể. Còn về cung hàng hoá và dịch vụ, thì tăng trưởng kinh tế bị suy giảm ở mức thấp nhất so với 12 năm trước đó và thấp xa so với mục tiêu đề ra,....
Nói cách khác, CPI tăng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra, một mặt do 2 năm trước đã tăng quá cao, làm cho số gốc so sánh cao lên, mặt khác chủ yếu hơn, là sự sụt giảm của tổng cầu, cả về đầu tư, sản xuất, tiêu dùng. Tỷ lệ đầu tư/GDP giảm mạnh từ 41,9% năm 2010 xuống còn 34,6% năm 2011 và dự báo còn 29,5% trong năm nay. Sản xuất của doanh nghiệp, làng nghề, các cơ sở cá thể bị suy giảm do ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá đã bị suy giảm trong năm 2011, năm nay vẫn thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của 2010 trở về trước.
Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến chậm lại, nhưng vẫn còn cao, trong khi tồn kho cao lan rộng ra nhiều ngành, lĩnh vực, từ chứng khoán, bất động sản, kể cả ngân hàng thương mại và đã kéo khá dài.
Tâm lý tích cốc phòng cơ, thắt lưng buộc bụng thể hiện khá lâu và lan rộng, không chỉ diễn ra ở Việt Nam là nơi có tỷ lệ lạm phát cao, mà diễn ra ở hầu khắp thế giới và đang là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho kinh tế châu Âu bị suy thoái, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước bị suy giảm.