Càng nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia, mức độ cạnh tranh càng lớn, càng khốc liệt nhưng người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Vì thế, các DN không có cách nào khác ngoài việc nâng cấp tối đa chất lượng - dịch vụ nhưng giá cả phải hấp dẫn để thu hút khách hàng về “đội của mình”.
Đó chính là cái lợi của cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ có lợi. Đó cũng là lý do, các nền kinh tế thị trường dị ứng và tẩy chay độc quyền.
Trước khi có Uber và Grab, thị trường taxi dù cũng có khá nhiều thương hiệu, nhưng tựu trung sân chơi này có 2 “ông lớn” là Vinasun và Mai Linh thống lĩnh. Cũng vì thế, có rất nhiều chuyện phi lý, ngược đời mà người tiêu dùng vốn được gọi là “thượng đế” buộc phải chấp nhận như chuyện tài xế từ chối khách hàng đi quãng ngắn, chỉnh - sửa đồng hồ cước để chặt chém khách hàng; thái độ thiếu lịch sự... Nhưng nay thì khác rồi.
Dù có phản ứng thế nào đi chăng nữa thì muốn tồn tại, các hãng này không có cách nào khác ngoài việc phải nâng cấp chính bản thân mình. Giờ đây taxi truyền thống đã hiện đại hơn với những thiết bị di động thông minh được gắn trên táp lô. Điện thoại hoặc máy tính bảng, máy POS được đặt bên chiếc đồng hồ tính cước có nẹp chì.
Với điện thoại thông minh, khách hàng có thể đặt nhiều hãng taxi truyền thống y như với Uber, Grab. Một số hãng cũng đã đưa vào ứng dụng thông báo trước số tiền cho khách khi đặt xe, đầu tư thêm xe mới, xe sang...
Hôm qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do số lượng xe đã lên đến hơn 50.000 chiếc, phá vỡ mọi quy hoạch. Trước đó một số tỉnh, thành cũng có kiến nghị tương tự.
Nhưng sẽ chẳng có mệnh lệnh hành chính nào có thể cản được các dịch vụ công nghệ mới. Thôi thì cứ để thị trường tự thanh lọc khi cung thật sự vượt cầu bằng một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng. Như vậy, sẽ có lợi cho người tiêu dùng.