Hút khách du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam - Mỹ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Công ty Lữ hành Saigontourist đã ký kết biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác toàn diện với các đối tác Mỹ và Vietnam Airlines, nhằm đẩy mạnh hợp tác du lịch 2 chiều.
Nhận định về thị trường khách Mỹ, đại diện Saigontourist cho biết đây là một trong những thị trường khách lớn, trọng điểm. Hàng năm công ty tiếp đón và phục vụ khoảng 30.000 lượt khách Mỹ đến du lịch tại Việt Nam đi theo các tour đường hàng không và đường biển. Theo lịch tàu hiện có từ các đối tác tàu biển của đơn vị, trong năm 2022 và 2023, Saigontourist dự kiến đón tổng cộng 23 chuyến tàu biển, với ước tính khoảng 22.550 lượt khách du lịch quốc tịch Mỹ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Saigontourist, hiện DN đã chủ động xây dựng chương trình “Tầm nhìn - điểm đến Mỹ giai đoạn 2022-2025”, tập trung quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường phát triển sản phẩm và dịch vụ đặc thù. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh mảng du lịch tàu biển quốc tế, tiếp thị điểm đến Việt Nam cho du khách Mỹ.
Ở chiều ngược lại, Saigontourist phối hợp các đối tác tại Mỹ giới thiệu, quảng bá du lịch Mỹ tới thị trường khách du lịch Việt Nam, đưa Mỹ trở thành một trong những điểm đến ưa chuộng của du khách Việt.
Saigontourist và các DN lữ hành Việt đều kỳ vọng sau chuyến công du của Thủ tướng và lời kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ hợp tác du lịch với Việt Nam, việc phát triển du lịch giữa 2 nước sẽ được đẩy mạnh.
Cũng tại hội nghị xúc tiến, đầu tư, nhiều nông sản của Việt Nam đã được giới thiệu. Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Giang, Vietnam Airlines và các đối tác Mỹ, đã ký biên bản hợp tác xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều và nông sản Bắc Giang.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, nhận định Mỹ là một trong những thị trường tiềm năng của nông sản Việt nói chung và trái vải nói riêng. Người tiêu dùng Mỹ cũng khá cởi mở đón nhận các sản phẩm nông sản Việt. Tuy nhiên, để có thể xuất qua thị trường khó tính này các sản phẩm nông sản (tươi, chế biến) đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Ông Hưng cho biết với riêng trái vải, một trong những khó khăn lớn nhất khi xuất qua thị trường Mỹ là phải chuyển vào miền Nam để chiếu xạ điều làm mất nhiều thời gian. Các DN kỳ vọng sớm có nhà máy chiếu xạ khu vực phía Bắc để trái vải đi Mỹ được thuận lợi hơn. Ý kiến này của các DN đã được Bắc Giang ghi nhận để cùng tìm giải pháp nhằm thúc đẩy tốt hơn việc xuất khẩu đi Mỹ. Nếu nông sản Việt được người tiêu dùng Mỹ đón nhận, nông sản Mỹ sang Việt Nam hiện cũng đang có những bước tăng trưởng tốt.
Hiện Việt Nam là thị trường lớn thứ 8 của nông sản, thực phẩm Mỹ. Năm 2021, nhóm hàng sữa và các sản phẩm từ sữa xuất khẩu sang Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt.
Tăng lực hút dòng vốn Mỹ
Nhắc đến dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam không thể không nhắc đến Intel. Bất chấp những khó khăn của dịch Covid-19, năm 2021 Intel vẫn tiếp tục đầu tư thêm 475 triệu USD vào các nhà máy ở Việt Nam, nâng mức tổng đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1,5 tỷ USD và là khoản đầu tư công nghệ lớn nhất của Mỹ vào Khu công nghệ cao TPHCM.
Không dừng lại ở số vốn đầu tư hiện có, Intel cam kết sẽ đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào Khu công nghệ cao TPHCM trong thời gian tới. Intel đánh giá cao điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam, cho rằng Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các DN công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động.
Cùng với Intel, nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ cũng liên tục công bố các khoản đầu tư mới vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang. First Solar, một trong 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ, đầu tư trên 1 tỷ USD với dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho thấy gần 80% thành viên AmCham đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, cho rằng việc Chính phủ Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là tiền đề để DN Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến 20-2, Mỹ đứng thứ 11 trong danh sách 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ hiện có 1.145 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,3 tỷ USD. Tại buổi làm việc với cộng đồng DN Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Mỹ luôn là một trong những đối tác lớn nhất về đầu tư của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, nhưng điều này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Thủ tướng mong các đối tác, DN Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Trong buổi gặp lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Intel, Thủ tướng đã bày tỏ mong muốn Intel mở rộng đầu tư hơn nữa tại các địa phương ngoài TPHCM. Khi gặp Tim Cook, Giám đốc điều hành tập đoàn Apple, Thủ tướng đề nghị Apple chú trọng đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng như thương mại, du lịch, quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ có tính 2 chiều. Một mặt Việt Nam không ngừng nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng từ Mỹ, mặt khác cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư của các DN Việt qua thị trường giàu tiềm năng này.
Tiêu biểu là dự án đầu tư nhà máy của VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup). Cuối tháng 3 vừa qua, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina của Mỹ đã công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ. Dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD trong giai đoạn 1 và sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong số 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam những tháng đầu năm 2022, đáng chú ý là Mỹ bởi nguồn vốn đầu tư của Việt Nam vào đất nước cờ hoa đang tăng rất nhanh. |