Đó có thể coi là phản ánh khái quát về một biểu hiện của xã hội trong thời đại mọi thứ đều “cá nhân hóa”.
Đôi lúc tôi tự hỏi, bây giờ nếu không có điện thoại, internet, mạng xã hội, báo điện tử…, người ta sử dụng thời gian rảnh rỗi làm gì? Thực sự là câu hỏi khó. Dù chúng ta đã từng trải qua thời gian chưa có tất cả những thứ đó, nhưng hẳn chúng ta đã… quên là chúng ta đã làm sao rồi. Chẳng hạn, ở sân bay, trong khi chờ đợi đến giờ lên máy bay, chúng ta có thể làm gì? Đọc sách, đọc báo chăng? Lang thang đi dạo và ngắm các quảng cáo? Nói chuyện phiếm với bạn bè? Nghe nhạc trên ipod hoặc điện thoại?
Chắc chắn là như vậy, nhưng tất cả những điều đó bây giờ gần như đã thay đổi.
Hay khi đi quán cà phê, chúng ta có thể làm gì nếu quay trở lại khoảng 15 năm trước? Nhâm nhi cà phê và nhìn mọi người qua lại? Cầm theo cuốn sách hoặc tìm mua tờ báo để đọc? Tranh thủ làm việc trên laptop khi tận dụng được wifi ở quán? Nói chuyện với bạn bè hoặc kết bạn với vài người bạn mới và trò chuyện với họ? Xem phim có tại quán hoặc xem tin tức (nhất là bóng đá) trên truyền hình ở quán?
Có lẽ là như vậy, hưng những điều đó bây giờ cũng đã thay đổi.
Hoặc lúc ở nhà, thời gian rảnh rỗi chúng ta có thể làm gì? Đọc sách, đọc báo? Xem tivi hoặc “cày” một phim bộ nào đó? Chơi với đám trẻ trong nhà (có thể là con hoặc cháu)? Uống trà và trò chuyện với người thân? Lai rai vài ly với bạn bè và tán gẫu? Làm các việc lặt vặt như dọn dẹp nhà cửa, trồng cây, sắp xếp lại đồ đạc…? Đi thăm bạn bè, người thân?
Có lẽ thế, nhưng bây giờ nhiều thứ đã thay đổi và trong số những thay đổi đó nhiều thứ có liên quan đến… cái điện thoại!
Yếu tố “cá nhân hóa” đã và đang thay đổi nếp sống và nhiều điều khác liên quan đến chúng ta, từ bản thân, gia đình, các mối quan hệ, đến nơi làm việc và cách thức xử lý công việc. Ngày trước, mỗi gia đình thường có không gian chung, bên cạnh phòng ăn còn có nơi cùng xem tivi hoặc cùng đọc sách.
Ở đó, các thành viên trong gia đình quây quần với nhau để cùng xem một trận đấu bóng đá, một chương trình truyền hình, một bộ phim, rồi cùng bàn luận, trao đổi. Ở đó, người lớn có thể giới thiệu, chia sẻ, định hướng, uốn nắn con em mình về một thói quen, nếp sinh hoạt, gu thẩm mỹ, quan niệm sống. Ở đó, mọi người gần gũi, gắn bó nhau, hiểu nhau nhiều hơn.
Còn bây giờ, không gian đó đã thay đổi nhiều, gần như chỉ còn bàn ăn nhưng ở đây mọi người vừa ăn vừa bấm điện thoại, không chỉ giải quyết công việc còn trò chuyện với người khác, hay tranh thủ lướt TikTok, YouTube, hoặc dạo các tin bài nóng hổi trên báo điện tử. Giao tiếp trong bữa ăn vì thế cũng ít đi. Thậm chí có khi mọi người vừa ăn vừa trao đổi qua các ứng dụng trên điện thoại, các nhóm chat, như chia sẻ một bài viết, một clip, một bức ảnh, dặn dò gì đó trên hộp chat…
Nhiều gia đình bây giờ có cái tivi to đặt ở phòng khách nhưng hầu như không ai xem, có chăng chỉ là xem phim trên YouTube hoặc ở các “kho”, các ứng dụng, chứ hiếm khi xem truyền hình nữa. Nếu có xem cũng chỉ là từng người lẻ loi, không phải đại gia đình. Hình ảnh cả nhà quây quần với nhau trước màn ảnh giờ đã hiếm lắm rồi. Nên các việc tâm tình, chia sẻ như ngày nào cũng đã không còn thực hiện được nữa.
Các sinh hoạt, giao tiếp khác với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… cũng vì thế mà thay đổi. Ngày trước các ứng dụng video call còn hạn chế, việc gọi điện thoại cho nhau cũng có mức độ do tốn cước; gọi liên quốc gia càng ít thực hiện.
Còn bây giờ, vừa lái xe, vừa nấu ăn, vừa làm việc nhà… vẫn có thể trò chuyện với nhau trực tiếp, cả bằng tai, bằng mắt. Vì thế, nhu cầu gặp gỡ, thăm viếng nhau chắc cũng không còn như trước, vì “đã nói chuyện với nhau hàng ngày rồi, gặp chi nữa…”.
Các quan hệ vì thế có thể càng gần hơn nhưng cũng càng xa hơn. Gần vì có thể giao tiếp thường hơn, lâu hơn. Xa vì ít có thời gian ở cạnh nhau hơn, ít chạm mặt nhau nên sự trao đổi cảm xúc bị hạn chế hơn. Chẳng hạn, có thể cha mẹ, ông bà vẫn trông con cháu về thăm, ngược lại con cháu ít muốn và ít thấy cần về thăm cha mẹ, ông bà nữa, bởi các kênh giao tiếp khác đã được cho là thay thế các cuộc gặp mặt rồi.
Không chỉ vậy, yếu tố “cá nhân hóa” trong thông tin liên lạc, giải trí, tích lũy kiến thức… đã làm cho từng người có thể đọc, xem, nghe, cảm thụ… trong từng khoảnh khắc riêng của mình, lúc ngồi trên xe buýt, chờ chuyến bay, trước giờ ngủ… Nên nhu cầu trao đổi trực tiếp với nhau (theo kiểu “mặt chạm mặt”) đã giảm đáng kể.
Phải chăng vì thế trẻ em hạn chế kỹ năng giao tiếp hơn, thậm chí cả một bộ phận gen Z (những người trong độ tuổi 25 trở xuống) cũng giao tiếp, ứng xử rất kém, vì đã từng trải qua thời kỳ là trẻ em chịu ảnh hưởng của xu hướng “cá nhân hóa” đó?
Phải chăng yếu tố kết nối trong gia đình, họ hàng, trong một số quan hệ thân tình đã lợt lạt đi. Nhưng trái lại, mỗi người dễ trở thành “phán quan” với một số bức xúc trên internet, hoặc dễ bị tác động với các thông tin, nhận định trên mạng xã hội? Đây là câu chuyện xã hội cần được nghiên cứu, điều chỉnh.
Đâu đó có những cuộc họp, sinh hoạt (cả chính thức lẫn phi chính thức) đã đề ra nội quy không sử dụng điện thoại trong suốt thời gian diễn ra hoạt động đó, không chỉ để mọi người tập trung đến chủ đề chính, còn để từng người quan tâm đến người xung quanh hơn. Vậy nên, chuyện “của ai nấy chọt” đã được điều chỉnh, nhưng xem ra vẫn còn lâu mới thay đổi.