Từ đầu tuần đến nay trên thị trường tiền tệ râm ran tin đồn NHNN đang xem xét khả năng có thể tăng dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng, nhằm mạnh tay kiềm chế lạm phát và hút lượng tiền đồng lưu thông ra thị trường khi NHNN thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, trái với thông tin này, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp trên không khả thi và quá sức với các NHTM.
Ngày 12-5 NHNN công bố số liệu mới về huy động vốn của các NHTM. Theo đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 21-4-2011 ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ giảm 1,84%, bằng ngoại tệ tăng 1,46%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 0,46%. Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng ngay khi lượng gửi của hệ thống NHTM sụt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của các NH.
Bởi các NH hiện nay đang “khát” vốn tiền đồng để cho vay nên chạy đua xé rào vượt trần lãi suất huy động. Nếu tăng dự trữ bắt buộc càng “giam” thêm số tiền không tính lãi vào NHNN, các NHTM càng khó khăn về thanh khoản, tình trạng lách luật trong huy động sẽ càng phổ biến hơn, lãi suất cho vay sẽ còn tăng tiếp, khó có thể giảm từ nay đến cuối năm. Vì vậy, có khả năng NHNN chỉ tính tới việc tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng sau khi biết được chỉ số CPI của tháng 5. Nếu lạm phát tiếp tục tăng có khả năng NHNN sẽ thực hiện giải pháp này, nhưng nếu thực hiện NHNN phải có điều kiện kèm theo để hỗ trợ các NHTM, nếu không rủi ro thanh khoản sẽ xảy ra như trước đây.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, việc siết chặt tăng trưởng tín dụng dưới 20%, giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất là 2 liều thuốc quá mạnh cho các NHTM. Nếu tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng càng tạo thêm gánh nặng cho các NHTM và khó có thể giải quyết được bài toán ổn định thị trường lãi suất, thị trường ngoại hối. Giải quyết bài toán mua USD vào, NHNN có thể trung hòa dòng tiền hút ra, bơm vào qua thị trường mở (OMO) mà không gây thanh khoản quá khó cho các NHTM. Vấn đề là cần có cơ chế cho vay đặc biệt trên thị trường mở, “bắt mạch” đúng bệnh và bơm tiền đúng NH.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, tăng dự trữ bắt buộc sẽ phải chấp nhận hy sinh một số NH nhỏ. Do vậy đến nay NHNN vẫn chưa dùng biện pháp này để kiềm chế lạm phát, dù biện pháp về lãi suất gần như không có hiệu quả. Ở nhiều nước thực hiện việc khoanh vùng các NH nhỏ và có cơ chế thanh khoản riêng để các NH lớn không bị ảnh hưởng lan truyền từ các NH nhỏ này. Có thể tăng dự trữ bắt buộc nhưng không thể áp dụng đồng bộ cho tất cả NH. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng chính sách tiền tệ không “gánh” nổi trách nhiệm kiềm chế lạm phát, mà phải đồng bộ các giải pháp khác, nhất là giải pháp đầu tư công.